Với 11,3% dân số Việt Nam là người cao tuổi, bệnh xương khớp hiện đang là vấn đề sức khỏe được các tổ chức y tế trong nước đặc biệt quan tâm. Bởi theo các chuyên gia y tế, tuổi thọ càng được nâng cao thì tỷ lệ mắc các bệnh xương khớp cũng dần phổ biến hơn.

Mặc dù, các bệnh xương khớp thường không dẫn đến tử vong hay nguy cấp như bệnh tim mạch, hô hấp, ung thư… nhưng…

Có thể bạn quan tâm:

Với 11,3% dân số Việt Nam là người cao tuổi, bệnh xương khớp hiện đang là vấn đề sức khỏe được các tổ chức y tế trong nước đặc biệt quan tâm. Bởi theo các chuyên gia y tế, tuổi thọ càng được nâng cao thì tỷ lệ mắc các bệnh xương khớp cũng dần phổ biến hơn.

Mặc dù, các bệnh xương khớp thường không dẫn đến tử vong hay nguy cấp như bệnh tim mạch, hô hấp, ung thư… nhưng nó lại là loại bệnh gây đau nhức, là nguyên nhân dẫn đến mất chức năng vận động vô cùng phổ biến và giảm chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo thống kê mới nhất của NHIS (nghiên cứu sức khỏe quốc gia) cho thấy, tần suất của bệnh xương khớp chiếm gần 50% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong khi tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch là 30% và hô hấp khoảng 24%. Theo đó, 10 bệnh lý về xương khớp phổ biến nhất với người Việt Nam cũng được đề cập đến.

Nội Dung Chính

    Viêm khớp dạng thấp (Thấp khớp)

    Viêm xương khớp

    Đau vai gáy

    Bệnh gút

    Loãng xương

    Thoát vị đĩa đệm

    Bệnh Paget xương

    Thoái hóa khớp

    Còi xương

    Khô dịch khớp

Viêm khớp dạng thấp (Thấp khớp)

Thấp khớp là một trong các bệnh xương khớp thường gặp nhất ở Việt Nam, chiếm khoảng 2% dân số. Hiện tại, các nhà khoa học và bác sĩ vẫn chưa có những xác định chắc chắn về nguyên nhân gây bệnh thấp khớp.

Theo nghiên cứu và thông kê, bệnh thấp khớp có thể bắt đầu từ những nguyên nhân như di truyền, môi trường xung quanh (ô nhiễm, khói thuốc lá…), chế độ ăn uống và giới tính cũng là một yếu tố quyết định, bởi tỷ lệ nữ giới mắc bệnh thấp khớp cao hơn rất nhiều lần so với nam giới….

Thấp khớp có thể xảy ra ở nhiều khớp cùng một lúc. Cụ thể, 90% bệnh nhân sẽ bị sưng đau các khớp cổ tay và khớp gối; 80% ở khớp ngón gần bàn tay; 70% ở khớp bàn ngón và khớp cổ chân; 60% ở khớp ngón chân và khớp khuỷu. Ngoài ra, các khớp ít gặp như: khớp háng, cột sống, khớp vai, khớp ức đòn…

Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân thường cảm thấy chân tay bị tê, cảm giác hơi đau và thường xuyên bị nhức mỏi chân tay, buổi sáng ngủ dậy có những hạn chế trong cử động.

Khi bệnh bắt đầu nặng thì có các triệu chứng như sốt nhẹ, sút cân do chán ăn, đau và sưng tấy các khớp tay và chân vào buổi sáng ngủ dậy, các khớp bị tê cứng trong thời gian dài, rất khó để cử động. Đặc biệt, dưới da bắt đầu xuất hiện những nốt mẩn nhỏ và lan rộng dần.

Thấp khớp là bệnh mạn tính kéo dài hàng chục năm, đòi hỏi quá trình điều trị phải kiên trì, liên tục có khi đến hết cả đời. Trong quá trình điều trị phải kết hợp chặt chẽ giữa nội khoa, vật lý trị liệu và theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh, cũng như các biến chứng có thể xảy ra.

Viêm xương khớp

Viêm xương khớp thường bị nhầm lẫn là Viêm khớp dạng thấp, tuy nhiên đây là hai bệnh lý có sự khác biệt về nhiều điểm như khu vực bị ảnh hưởng, nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị…

Cụ thể, viêm xương khớp xảy ra khi sụn bị bào mòn, thoái hóa và đầu xương chạm vào nhau gây đau dữ dội. Theo thời gian, khớp sẽ bị biến dạng và xuất hiện các gai xung quanh khớp. Ngoài ra, các mảnh xương hoặc sụn có thể tróc ra và trôi nổi bên trong khoảng cách giữa hai đầu xương, gây đau đớn và thương tổn nhiều hơn.

Khác với thấp khớp, viêm xương khớp chỉ ảnh hưởng đến các khớp mà không ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng. Bệnh lý này xảy ra phổ biến nhất ở khớp bàn tay, đầu gối, hông và cột sống với các dấu hiệu như:

    Đau khớp, đặc biệt là sau khi sử dụng lặp đi lặp lại khớp bị ảnh hưởng.

    Cứng khớp sau khi ngồi dậy khỏi giường hoặc sau khi ngồi lâu

    Các khớp trở nên kém linh hoạt, không co duỗi được

    Có cảm giác lạo xạo hoặc nghe tiếng kèn kẹt do xương chà xát lên nhau khi vận động.

Sau khi được chẩn đoán viêm khớp, bác sĩ sẽ căn cứ vào lối sống và mức độ viêm khớp để đưa ra biện pháp điều trị cụ thể. Với tình trạng nhẹ và vừa, bệnh nhân thường sẽ được chỉ định sử dụng thuốc để giảm đau và kháng viêm, cũng như sử dụng các loại cao dán nóng để giảm bớt triệu chứng.

Ở những trường hợp nặng, bệnh nhân phải thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để bảo tồn khả năng vận động của khớp. Trong trường hợp các biện pháp đều không có hiệu quả, bác sĩ sẽ căn cứ vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe để yêu cầu điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Hiện nay, có hai loại phẫu thuật được sử dụng để điều trị viêm xương khớp là: phẫu thuật thay khớp hoặc thủ thuật mở khớp; làm sạch vùng xung quanh khớp.

Đau vai gáy

Đau vai gáy là một trong những căn bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi, từ người già đến người trẻ. Ngoài việc gây khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, đau vai gáy còn là báo hiệu của nhiều bệnh xương khớp nguy hiểm như thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm cổ…

Đau vai gáy thường liên quan đến các bệnh xương khớp, hoạt động sai tư thế, ngồi cố định một chỗ trong thời gian dài hoặc lao động gắng sức gây tổn thương cho cho vùng cổ, gáy hay cột sống. Ngoài ra, nhiễm lạnh đột ngột, hút thuốc lá và căng thẳng cũng là một trọng những nguyên nhân dẫn đến đau vai gáy.

Thông thường, người bị đau vai gáy sẽ sử dụng thuốc giảm đau tức thì. Mặc dù việc làm này giúp nhanh chóng chấm dứt cơn đau, nhưng nếu duy trì trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, các trường hợp phổ biến là gây phù nề, viêm loét dạ dày và lờn thuốc. Do đó, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và chữa trị đúng phương pháp.

Với bệnh lý đau vai gáy, các bài tập vật lý trị liệu là vô cùng cần thiết và hiệu quả, cụ thể như vận động cổ nhẹ nhàng và thể dục dưỡng sinh.

Bệnh gút

Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, bệnh gút đứng thứ 4 trong các bệnh xương khớp thường gặp, đây là một dạng viêm khớp, do sự lắng đọng các tinh thể Urat (Monosodium Urat) trong dịch khớp và các mô khi nồng độ Acid Uric trong máu bị bão hoà.

90 – 95% bệnh nhân bị bệnh gút là nam giới trong độ tuổi trung niên. Ở nữ giới, bệnh thường xảy ra sau thời kỳ mãn kinh. Ngoài ra, những người bị béo phì, nghiện rượu, cà phê và có tiền sử gia đình bị bệnh gút sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đặc biệt, 75% – 84% người mắc bệnh gút thường xuyên sử dụng rượu bia, trung bình từ 7 – 10 năm.

Các triệu chứng bệnh hầu hết là cấp tính, người bệnh bị đánh thức đột ngột vào nửa đêm do đau khớp dữ dội, thường ở khớp của ngón chân cái do đây là khớp nối xa ​​tim nhất, nơi nhiệt độ cơ thể thấp và các tinh thể Urat có nhiều khả năng tích tụ lại tạo nên những cơn đau nhức.

Bên cạnh đó, các khớp bị sưng là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh lý này. Tùy thuộc vào nơi mà các tinh thể acid uric lắng đọng, mà quyết định bộ phận nào của cơ thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nam giới sẽ thường bị sưng đau ở khớp ở bàn chân, mắt cá chân và khuỷu tay. Trong khi đó, phụ nữ sẽ bị viêm các khớp ở bàn tay và đầu gối.

Cơ chế điều trị bệnh gút sẽ tập trung vào việc hạn chế các nguyên nhân làm tăng Acid Uric. Do đó, cần có sự kết hợp giữa điều trị bằng thuốc và chế độ ăn uống hợp lý để giảm tổng hợp axit uric và đào thải axit uric qua thận.

Loãng xương

Theo khảo sát bước đầu của Viện Dinh Dưỡng, 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi ở Việt Nam mắc bệnh loãng xương. Từ đó, ước tính có khoảng 2,5 triệu người bị loãng xương và trên 150.000 trường hợp bị gãy xương do loãng xương.

Loãng xương là hiện tượng tăng phần xốp, giảm mật độ chất trong xương. Từ đó khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ.

Không có triệu chứng rõ ràng từ sớm, bệnh loãng xương thường được phát hiện khi có các biểu hiện có thể quan sát như lưng còng, dáng đứng khom xuống, giảm dần chiều cao và dần dần sụt cân. Vào thời điểm này, khối lượng xương của cơ thể đã giảm đi khoảng 30% so với lúc bình thường.

Để điều trị loãng xương, có 2 phương pháp phổ biến là dùng thuốc và không dùng thuốc. Với biện pháp không dùng thuốc, bệnh nhân cần bổ sung canxi và vitamin D cho cơ thể, thực hiện các bài tập tải trọng và ngưng sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, cà phê, thuốc lá,…). Đặc biệt, cẩn thận trong di chuyển để tránh té ngã.

Thoát vị đĩa đệm

Ở Việt Nam, 17% người trên 60 tuổi và 30% dân số mắc phải căn bệnh thoát vị đĩa đệm. Bệnh lý này là tình trạng đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí cấu tạo bình thường và gây chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống.

Theo Viện Quân y 103, thoát vị đĩa đệm bắt nguồn do nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó có các yếu tố khách quan như thoái hóa sinh học, ảnh hưởng nghề nghiệp, chế độ sinh hoạt không hợp lý, di truyền… Ngoài ra, những thói quen sai tư thế như quá ưỡn, quá khom, vẹo cột sống, chấn thương… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm.

Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm khá đa dạng, điển hình như đau tại vị trí thoát vị, bị hạn chế vận động, tê chân tay, rối loạn cơ thắt gây bí tiểu, đại tiểu tiện không tự chủ… Tuy nhiên, một trong những triệu chứng thoát vị đĩa đệm điển hình nhất là đau thần kinh tọa.

Hầu hết các bệnh nhân thoát vị đĩa đệm đều không cần phải phẫu thuật, việc tập luyện và sử dụng thuốc theo liệu trình sẽ giúp giảm các triệu chứng bệnh sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, nếu tình trạng thoát vị đĩa đệm chèn ép toàn bộ rễ thần kinh vùng đuôi ngựa thì bệnh nhân cần phải được mổ ngay để ngăn ngừa bệnh nặng thêm, gây yếu tay/chân hoặc liệt.

Bệnh Paget xương

Paget xương còn được gọi là viêm xương biến dạng, một trong những căn bệnh xương khớp thường gặp ở nam giới từ tuổi trung niên trở lên. Đây là chứng rối loạn bất thường trong quá trình hình thành và phát triển của hệ xương, theo quy luật những tế bào xương cũ sẽ dần được thay thế những tế bào xương mới. Tuy nhiên, bệnh Paget xương sẽ cản trở quá trình thay thế này và hình thành nên một tổ chức xương mới có cấu trúc bất thường.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa được xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh Paget xương. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng nguyên nhân gây bệnh này đến từ virus, yếu tố di truyền, tuổi tác và giới tính.

Các triệu chứng bệnh paget xương thường không rõ ràng, một số ít người có thể sẽ gặp phải các triệu chứng như sau:

    Nhức đầu, thính giác mất dần, sọ to ra và hàm nhô về phía trước

    Đau và tê ở cánh tay, cẳng chân, cột sống biến dạng

    Đau hông, khung chậu giãn rộng

    Xương dần dần bị yếu và dễ bị gãy

    Vùng da bao quanh xương cũng bị ảnh hưởng và có cảm giác ấm nóng

    Quá trình tăng chiều cao bị giảm thiểu

    Cong vẹo xương chày và xương đùi, đau khớp háng, khớp đầu gối.

Nếu như được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh paget xương hoàn toàn có thể chữa khỏi và ngăn ngừa được các biến chứng nguy hiểm. Dựa tình trạng bệnh và mức độ ảnh hưởng, bác sĩ sẽ xác định phương pháp điều trị, xử lý kịp thời, hạn chế tối đa sự phát triển và những biến chứng của bệnh.

Thoái hóa khớp

Tại Việt Nam, 23,3% người trên 40 tuổi bị thoái hóa khớp. Tuy nhiên, độ tuổi này đang dần có dấu hiệu trẻ hóa, điều này khiến đây không còn là căn bệnh của tuổi già như quan niệm trước đây.

Thoái hóa khớp là tình trạng thoái hóa của sụn khớp, đĩa đệm giữa hai đầu xương có kèm theo phản ứng viêm và giảm sút lượng dịch nhầy giúp bôi trơn, do đó gây đau và cứng khớp.

Khi sự tái tạo và thoái hóa của sụn khớp bị mất cân bằng sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mất cân bằng, chủ yếu là do quá trình lão hóa tự nhiên, dị dạng bẩm sinh, di truyền, béo phì và nội tiết. Thoái hóa thứ phát có thể xuất hiện ở bất kỳ khớp nào, tuy nhiên phần lớn sẽ là khớp gối và sống thắt lưng.

Bệnh lý này có triệu chứng diễn biến thất thường và đa dạng, điển hình như đau khớp, cứng khớp, tiếng kêu trong khớp khi cử động, khó vận động các khớp và khớp bị sưng tấy biến dạng.

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp. Tuy nhiên, tùy thuộc vào vị trí bị ảnh hưởng mà có cách điều trị khác nhau. Do đó, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tính để được thăm khám và tư vấn phương pháp phù hợp nhất.

Còi xương

Những năm gần đây bệnh còi xương ở trẻ em có xu hướng gia tăng, cứ 3 trẻ lại có 1 trẻ mắc bệnh còi xương. Theo viện dinh dưỡng, còi xương là bệnh loạn dưỡng xương do thiếu vitamin D, canxi, phosphate hoặc do rối loạn chuyển hóa vitamin D trong cơ thể.

Còi xương là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, nguyên nhân chủ yếu do thiếu ánh sáng mặt trời, chế độ ăn uống không hợp lý… Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh lý này sẽ làm suy yếu xương, dẫn đến dị tật ở trẻ, chẳng hạn như biến dạng lồng ngực, chân cong, cổ tay và mắt cá chân dày lên…

Do đó, phụ huynh cần tìm hướng giải quyết kịp thời khi có các biểu hiện như trẻ ra mồ hôi nhiều, khó ngủ, hay giật mình, rụng tóc gáy…

Việc điều trị còi xương cần có sự hướng dẫn của bác sĩ, vì vitamin D rất dễ bị quá liều gây ngộ độc thần kinh của trẻ. Ngoài ra, khẩu phần ăn của trẻ cũng cần thay đổi để cung cấp thêm canxi và vitamin D cho trẻ. Đặc biệt, cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng (6-9 giờ sáng hoặc sau 5 giờ chiều) để chuyển đổi 7-dehydro cholesterol ở trong da thành vitamin D3.

Khô dịch khớp

Khô khớp gối là tình trạng khớp đầu gối di chuyển, vận động rất khó khăn hay phát ra các tiếng lục cục, lạo xạo bên trong khớp do khớp không tiết dịch bôi trơn hoặc lượng dịch khớp tiết ra quá ít gây đau nhức và hạn chế vận động khớp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khô dịch khớp, tuy nhiên có 3 vấn đề chính thường gặp phải là tổn thương sụn khớp, tổn thương xương dưới sụn, giảm tiết dịch trong khớp. Ngoài ra, chế độ ăn uống, môi trường làm việc và chấn thương cũng là một trong những yếu tố gây khô dịch khớp.

 Hiện nay, với người bệnh khô khớp có thể được áp dụng liệu pháp tiêm Axit Hyaluronic giúp bôi trơn, giảm ma sát, giảm xóc, làm khớp vận động trơn tru. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được xác định cụ thể tình trạng khớp, theo dõi liên tục, thực hiện ở cơ sở y tế uy tín và cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Việc điều trị các bệnh xương khớp cũng cần sự kiên trì và sự hợp tác nghiêm túc của bệnh nhân với bác sĩ. Nếu không, bệnh nhân sẽ có nguy cơ gặp phải những hậu quả nghiêm trọng như hội chứng dạ dày tá tràng, hội chứng cushing do thuốc, xuất huyết tiêu hóa và thậm chí tử vong. Ngoài ra, nên tăng cường bổ sung canxi, vitamin D cùng các khoáng chất khác như Magie, vitamin K hàng ngày qua các thực phẩm như sữa, rau, trái cây để giúp xương chắc khỏe hơn.