Kể về nghề làm bánh chè lam thời xưa, bà Nguyễn Thị Tám (chủ cơ sở sản xuất chè lam Tám Độ, thôn Thạch, xã Thạch Xá) cho biết: “Ngày còn bé, tôi đã thấy ông bà, bố mẹ tôi làm chè lam rồi. Mỗi dịp Tết hoặc hội làng nhà nhà đều tấp nập làm bánh. Thời ấy cũng có một số nhà làm nhiều thì đem bán ở các chợ quanh vùng nhưng đa phần các gia đình đều làm để ăn và làm quà biếu…

Có thể bạn quan tâm:

Kể về nghề làm bánh chè lam thời xưa, bà Nguyễn Thị Tám (chủ cơ sở sản xuất chè lam Tám Độ, thôn Thạch, xã Thạch Xá) cho biết: “Ngày còn bé, tôi đã thấy ông bà, bố mẹ tôi làm chè lam rồi. Mỗi dịp Tết hoặc hội làng nhà nhà đều tấp nập làm bánh. Thời ấy cũng có một số nhà làm nhiều thì đem bán ở các chợ quanh vùng nhưng đa phần các gia đình đều làm để ăn và làm quà biếu chứ ít khi làm với số lượng nhiều như bây giờ”.

Về Thạch Xá, chúng tôi được nghe những câu chuyện về sự ra đời của thứ quà quê này, theo các vị cao niên trong xã, thời xưa xuất phát từ tấm lòng thành kính, người dân đã làm ra một thứ bánh thơm dẻo để dâng lễ. Cứ vậy, cho đến tận ngày nay, người dân trong làng vẫn gìn giữ, lưu truyền thứ bánh ấy. Mỗi khi du khách đến trẩy hội chùa Tây Phương ai cũng mua một hộp bánh chè lam để thưởng thức hay làm quà.

Để cho ra những chiếc bánh chè lam dẻo, thơm, đạt chất lượng người làm nghề phải nắm chắc công thức trộn các loại nguyên liệu với tỷ lệ nhất định (Ảnh: P.N)

Trong những dịp cuối năm, khi ghé thăm Thạch Xá, từ đầu làng đến cuối làng là không khí rộn rã, tất bật hòa quyện trong mùi thơm của nếp cái rang, của vừng, lạc cùng mùi vị ngọt đậm của nồi mạch nha đang sôi.

Với những nguyên liệu vốn gần gũi, thân quen nhưng cách chế biến chè lam lại chẳng hề đơn giản. Mỗi công đoạn đều phải liên hoàn đòi hỏi người làm phải thật khéo léo, tỉ mỉ, chỉn chu nếu không bánh sẽ không đạt độ dẻo thơm theo ý. Cũng bởi lẽ đó mỗi khi thưởng thức món quà quê ấy, mỗi người sẽ cảm nhận được cái tâm, cái tình của người làm nghề.

Nhâm nhi cốc trà nóng và thưởng thức với món chè lam, đượm lại vị ngọt, dẻo, thơm, thấy chúng tôi tỏ ý hài lòng về chất lượng bánh, bà Tám nhanh nhảu nói: “Muốn có những mẻ chè lam ngon, đầu tiên người thợ làm bánh phải lựa chọn loại thóc nếp cái hoa vàng thật đều, căng mẩy, được sàng sảy cẩn thận trước khi cho vào rang. Lạc phải chọn hạt ngon, không sâu, không thối; gừng, đường, mạch nha đều phải đảm bảo chất lượng. Điểm đặc biệt ở Thạch Xá, người dân luôn rang nguyên hạt thóc nếp vào chảo lửa với nhiệt độ lửa vừa đủ để gạo nở thành hạt bỏng trắng. Sau đó người làm nghề đem bỏng đi xay nhỏ lấy bột trắng, mịn có vậy bánh mới dẻo dai, thơm ngon được”.

Ngày nay, chè lam Thạch Xá được đóng gói cẩn thận với mẫu mã, sản phẩm bao bì đẹp mắt (Ảnh: P.N)

Đặc biệt, khâu quan trọng nhất để chế biến ra bánh chè lam ngon chẳng thể không nhắc tới khâu chế biến gia vị. Để có một nồi bánh ngon, người dân cho bột nếp, mật mía, mạch nha cùng các gia vị như gừng làm sạch vỏ, rửa cho tới khi trắng tinh, được giã nhỏ, lọc lấy nước trộn cùng lạc và vừng rang vàng. Sau đó được đem đun và cho vào máy đánh, nhào kỹ cho đến khi đạt được độ dẻo dai cần thiết. Sau đó bánh được nhào nặn và cán vào khuôn, lên rây rồi để nguội. Cuối cùng bánh sẽ được chặt thành miếng nhỏ trộn với bột gạo nếp để chống dính và đóng hộp.

Qua những công đoạn ấy, trong ngày trời đông lạnh, khi không khí Tết đang rộn ràng, ăn bánh chè lam và uống trà xanh được hãm bằng nguồn nước đá ong từ các giếng nước trong làng đã trở thành đặc sản, có sức hút đối với nhiều du khách gần, xa. Điểm nhấn rõ nét, khi thưởng thức thứ quà quê ấy, mỗi người như cảm nhận được rõ hơn vị quê hương nồng ấm, đậm đà ẩn trong hương nếp, mật mía và vị gừng cay, sâu nặng tự thuở xưa.

Ngày nay, từ một thứ quà quê dân dã, chè lam Thạch Xá đã có mẫu mã, lô gô với bao bì sản phẩm thống nhất. Nhiều hộ dân nơi đây vẫn ngày ngày đỏ lửa gìn giữ nghề truyền thống đồng thời đem lại nguồn thu nhập cho các gia đình trong xã.

Hoa Nguyễn