Xóm đũa Tân Long (ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) những ngày này nhộn nhịp hơn bao giờ hết.Ai cũng vui vì cứ mỗi độ xuân về, sản phẩm đũa tre nơi đây lại “cháy hàng”. Và càng vui hơn khi cái nghề làm đũa hơn 40 năm, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác không bị mai một. Bà Tạ Thị Mỹ Lệ (áo đen) cùng chị Võ Thị Thúy Kiều đang tất bật chuẩn bị…
Có thể bạn quan tâm:
Xóm đũa Tân Long (ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) những ngày này nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Ai cũng vui vì cứ mỗi độ xuân về, sản phẩm đũa tre nơi đây lại “cháy hàng”. Và càng vui hơn khi cái nghề làm đũa hơn 40 năm, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác không bị mai một.
Bà Tạ Thị Mỹ Lệ (áo đen) cùng chị Võ Thị Thúy Kiều đang tất bật chuẩn bị sản phẩm để giao cho khách hàng.
Theo bà Tạ Thị Mỹ Lệ (53 tuổi), nghề làm đũa của xóm này đã có từ lâu. Khoảng năm 1975, cha mẹ bà Lệ từ Cần Thơ đến đây sinh sống mang theo nghề làm đũa và phát triển đến tận hôm nay.
“Ngày trước ở Cái Răng làm đũa bằng cây cau, sau khi về đây mới thấy địa phương này không có cau nhưng lại có nhiều tre. Từ đó nghề làm đũa tre được hình thành ở đây. Thấy cái nghề này sống được nên nhiều người trong xóm học theo và nghề đũa tre trở thành nghề chính của phụ nữ trong xóm từ lúc nào không hay”, bà Lệ cho biết thêm.
Đũa Tân Long được làm bằng tre xiêm, lóng dài, đặc ruột, để lâu ít bị mối mọt. Để tạo ra một đôi đũa người thợ phải trải qua 7 công đoạn (hoàn toàn thủ công) từ đốn tre, cưa, chẻ, rọc, bào, chuốt đầu thành chiếc đũa.
Sau đó, đũa được đem phơi 3 nắng (khoảng 3 ngày) là có thể đem đi tiêu thụ. Tuy nhiên, để có được chiếc đũa tròn đều, suôn thì phụ thuộc rất lớn vào đôi tay khéo léo của người bào.
Để có được chiếc đũa tròn đều, suôn, đòi hỏi người thợ phải thật sự khéo léo, tỉ mẩn.
Theo người dân, khoảng 20 năm trước, xóm đũa này lao đao vì sự cạnh tranh của các loại đũa có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan như đũa ngà, đũa nhựa với giá rẻ.
Nhiều cơ sở sản xuất đũa tre nội địa áp dụng kỹ thuật phun màu, phun sơn, ướp màu để tăng độ bóng láng, khiến cả xóm đũa Tân Long đứng trước nguy cơ phá sản.
Chỉ sau một thời gian sử dụng, các loại đũa nhựa, đũa ngà đã bộc lộ khuyết điểm như trơn, khó gắp, dễ nóng chảy. Người tiêu dùng lại quay về với đôi đũa tre quen thuộc.
Tuy nhiên, điều làm nên thương hiệu và sự khác biệt của đũa tre Tân Long là bà con nơi đây vẫn quyết định giữ nguyên màu của tre chứ không dùng hóa chất nhuộm màu, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Người dân xóm đũa Tân Long tự hào về màu sắc tự nhiên của đũa tre mà họ làm ra.
Bà Tạ Thị Mỹ Lệ phấn khởi cho biết, những ngày này, dù làm ngày làm đêm nhưng đũa tre Tân Long vẫn cung không đủ cầu.
“Ngoài các hộ làm đũa quanh năm, những hộ dân trong khu vực tranh thủ lúc rảnh rỗi công việc đồng áng cũng có thể mang tre về nhà gia công kiếm thêm thu nhập. Nhiều em học sinh tranh thủ bào đũa vào cuối tuần để có thêm chi phí trang trải việc học hành. Nói chung, cái nghề này mang lại thu nhập nuôi sống cả xóm nên ai cũng cố gắng duy trì”, bà Lệ nói.
Tiếng bào đũa rèn rẹt hòa vào tiếng cười vui của người dân xóm nhỏ báo hiệu một cái Tết đủ đầy từ nghề làm đũa truyền thống mang lại. Quan trọng hơn, họ lại có thêm động lực để duy trì và phát triển xóm đũa, duy trì những giá trị truyền thống của dân tộc.
THANH TIẾN