Có một thực tế phải nhìn nhận: Qua mỗi năm, tết càng nhạt dần. Cảm giác chộn rộn, nôn nao tết chỉ còn tồn tại trong khoảnh khắc cận kề giao thừa.Sang sáng mùng 1, lác đác hàng quán đã mở cửa bày bán, chợ cũng nhóm họp.Đến chiều mùng 2, mọi sinh hoạt gần như trở lại bình thường, đường phố nhộn nhịp xe. Tết coi như hết. Giới trẻ than vãn tết ngày càng nhạt, càng chán, chẳng có…

Có thể bạn quan tâm:

Có một thực tế phải nhìn nhận: Qua mỗi năm, tết càng nhạt dần. Cảm giác chộn rộn, nôn nao tết chỉ còn tồn tại trong khoảnh khắc cận kề giao thừa.

Sang sáng mùng 1, lác đác hàng quán đã mở cửa bày bán, chợ cũng nhóm họp.

Đến chiều mùng 2, mọi sinh hoạt gần như trở lại bình thường, đường phố nhộn nhịp xe. Tết coi như hết. Giới trẻ than vãn tết ngày càng nhạt, càng chán, chẳng có gì vui.

Một số gia đình vẫn cố giữ nếp tết xưa. Một con én không làm nên nổi mùa xuân khi mà đại đa số đều lược giản nhiều giá trị tinh thần của ngày tết.

Tuy không khí tết chùng xuống thảm hại nhưng ngày nghỉ vẫn còn kéo dài đến tận mùng 6 Công chức bị chùn tay, chùn chân… nôn nóng, mong chờ ngày đi làm trở lại.

Dân tỉnh bắt đầu lục tục kéo nhau về thành phố sớm, dù chỉ nằm ở nhà trọ chờ kết thúc…tết. Con cháu đi hết, nhà trống vắng, tết cũng coi như chấm hết ở các miền quê, vốn được cho là còn giữ gìn bản sắc ngày tết, chưa bị khói nhà máy công nghiệp phủ mờ.

Tết nay giàu vật chất nhưng nghèo tinh thần. Các bạn trẻ thường than Tết…chán

Cách đây vài chục năm, người ta gọi là “ăn Tết”, chứ không gọi “đón Tết” như bây giờ. Thời gian “ăn Tết” kéo dài, ngày nào cũng vui. Chính vì vậy mới có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Mọi tinh hoa lao động trong năm, người ta đều dành cho Tết: Cái áo, đôi giày, đôi dép.. cũng đợi Tết mới mặc. Ở quê, nuôi con gà, con heo… cũng chờ Tết đến mới mổ thịt. Đời sống nhân dân tuy nghèo khó, nhưng Tết mang đầy đủ ý nghĩa của nó.

Chính vì người ta chờ đợi Tết nên thấy thời gian trôi qua chậm chạp và nôn nao khi Tết đến gần. Không như bây giờ, đa phần sợ Tết, có cảm giác đang yên lành, bỗng nhiên tết ập đến, trở nên hờ hững với nó.

Tết xưa ở Sài Gòn

Không khí Tết của cách đây vài chục năm được bắt đầu cảm nhận rõ ràng nhất từ ngày Rằm tháng Chạp. Sáng sớm, trong tiết trời se lạnh, cả nhà xúm xít ra sân tranh thủ lặt lá mai. Phải lặt lá mai đúng ngày rằm thì bông mới bung đúng ngày mùng Một, lấy may mắn cho cả năm.

Đàn bà, con gái bắt đầu rục rịch dao, thớt, chuẩn bị làm dưa kiệu, dưa cải, bánh mứt, lạp xưởng. Đàn ông, trai tráng lo sơn quét nhà cửa. Trong những ngày này, đi ngang các cửa nhà, đều thấy các mâm củ kiệu, mứt dừa, dây lạp xưởng đỏ hồng… bày trước sân, phơi dưới nắng xuân, chờ khô ráo.

23 Tết, ngày đưa ông Táo chầu trời, không khí Tết đã thực sự hiện diện trong mọi nhà. Mền mùng người ta lôi ra giặt giũ, lư hương mang ra đánh bóng, đốt hết chân hương… Mọi người trở nên tất bật hơn, vội vã hơn.

Con cháu ở phương xa đã tề tựu đông đủ, quây quần bên ông bà, cha mẹ để chuẩn bị nếp, đậu xanh, thịt mỡ, lá chuối để gói bánh tét. Nhà nào siêng năng, còn xay bột mang đến lò, tráng bánh.

Một số gia đình tranh thủ kho sẵn nồi thịt, hâm nhiều bận dưới lửa củi liu riu cho đến tận chiều 30 Tết, nhằm làm miếng thịt thấm nước dừa, mỡ mềm rệu, đậm đà.

Một gia đình miền Tây chùi lư đồng, chuẩn bị bàn thờ rước ông bà ngày Tết

Không có siêu thị như bây giờ, muốn mua sắm người ta phải ra chợ. Chính vì vậy chợ búa tấp nập người, chân chen không lọt. Những món ngon nhất người ta mang ra chợ bán, từ con gà, con vịt, con cá, miếng mứt dừa. Tiếng chào mời inh ỏi. Hoa cúc, hoa mai, vạn thọ bày bán từ đầu chợ đến cuối chợ. Trái cây không thuốc trừ sâu, phân bón đổ hàng đống, tha hồ chọn mua về cúng gia tiên.

Chiều 30 Tết, người ta quét sạch nhà một lần nữa, vì từ mùng 1 đến mùng 10 phải kiêng cữ, không ai quét nhà, sợ quét mất luôn lộc. Trên bàn thờ đã trang trí nhành mai chực bung nụ vàng, bên cạnh mâm ngũ quả: Cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Thức ăn, gạo, muối, đường… phải tích trữ đầy đủ trước giờ giao thừa, vì chợ búa đến tận sau mùng 10 mới nhóm họp.

Truyền thống gói bánh tét cúng ông bà cũng dần mai một trong các gia đình miền Nam

Trên chiếc bàn dài ở chính giữa nhà, mâm cơm đầy đủ lễ vật: Bánh tét, thịt mỡ, dưa kiệu, dưa cải, con gà mái luộc chéo ngoảy vàng ươm, gạo, muối, rượu trắng… Gia chủ mặc áo dài tay, trịnh trong thắp 3 nén hương, đứng ngay đầu bàn, chắp tay lầm rầm khấn vái mời vong linh ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Hàng xóm í ới mời nhau dùng bữa cơm cuối năm, uống vài ly rượu, hàn huyên.

Xong ai về nhà nấy, háo hức chờ đón giờ giao thừa. Nhà nào nghèo, cũng phải có phong pháo tiểu, nhà giàu thì dây pháo đại dài treo sẵn ngay cửa chính.

Đúng thời khắc 0h, cả nước vang rền tiếng pháo nổ. Từ chiều, con nít đã chực chờ trước những cửa nhà. Chỉ cần nghe tiếng pháo vừa dứt, chúng xúm nhau giành nhặt pháo lép. Giữa khuya, tiếng cười đùa rộn ràng khắp xóm.

Xác pháo đỏ vương ngay đầu ngõ, bay vào tận nhà. Mùi khói pháo đặc trưng hương vị Tết phảng phất khắp nơi. Một năm mới đầy hy vọng, sung túc, an lành đã tràn về!

Trẻ nhỏ chờ nhặt pháo lép vào ngày tết cách đây hàng chục năm

Sáng mùng Một, trẻ con xúng xính quần áo mới, mừng tuổi ông bà, cha mẹ, nhận bao lì xì. Gia đình đầy đủ các thành viên quây quần bên mâm cơm. Người ta hạn chế đến nhà người khác, vì kiêng cử. Nếu muốn gặp nhau, phải sau 12 giờ trưa và cũng chỉ nói chuyện vui. Tuyệt đối không nói đến bệnh tật, nghèo khó. Giận hờn nhau cũng phải nén lại, không cự cãi.

Đến mùng 2 người ta đi thăm, chúc tết họ hàng. Mùng 3 dành cho bạn bè, hàng xóm. Tiệc bày ra, đi đến nhà nào cũng quanh quẩn các món: bánh mứt, lạp xưởng, thịt kho, củ kiệu, dưa cải, gà vịt… nên ai cũng ngán, chẳng muốn ăn.

Đi đến nhà nào cũng thấy khung cảnh đầm ấm: Già trẻ, bé lớn quây quần trên chiếc chiếu trải ngoài hàng hiên, cùng chơi lô tô, bầu cua.. ăn tiền tượng trưng. Khách đến thăm chúc tết gia chủ, có thể ngồi xuống “giao lưu” vài ván, coi như xem quẻ may rủi trong năm.

Pháo đỏ ngập đường thời tết xòn xa vắng

Thăm viếng, ăn uống, nhậu nhẹt, cờ bạc… cho đến tận mùng 10, không khí Tết mới bắt đầu chùng xuống. Buổi chiều, người ta lại làm một mâm cúng đưa tiễn ông bà, thay quần áo mới bằng bộ quần áo cũ. Tết coi như hết, bắt đầu làm việc trở lại.

Ngày nay, thường đến mùng 3, người ta đã làm mâm cúng “đuổi” ông bà đi sớm, Tết coi như kết thúc chóng vánh.

Một cảnh đầm ấm trong ngày Tết của vài chục năm về trước

Tết càng nhạt nhòa, có thể do các nguyên nhân sau: Thức ăn đa số người ta mua đồ làm sẵn ở siêu thi, chợ truyền thống đìu hiu, kéo theo các thành viên trong gia đình ít có cơ hội sum vầy để “phụ tay, phụ chân” làm món. Chợ nhóm họp sớm, hàng quán bán như thường ngày, cũng làm giảm bớt không khí thiêng liêng ngày Tết, có cảm giác ngày nào cũng như ngày nào.

Thêm nữa, ngày nay, ai cũng có sẵn chiếc điện thoại di động trên tay, chỉ cần một cuộc gọi, tin nhắn chúc mừng năm mới là đã đủ lễ nghĩa, không cần phải lặn lội đến nhà người khác thăm viếng.

Và trong thời đại công nghiệp, người người đều phải bon chen, đè nặng áp lực cơm áo gạo tiền, buộc lòng phải hờ hững với nàng Xuân.

Lê Ngọc Dương Cầm