Rất sớm, người M’Nông chuẩn bị đón Tết từ đầu tháng 9, tháng 10 âm lịch. Tết là dịp hội họp chung vui của cả buôn làng, những người đi xa cũng hối hả trở về sum họp với gia đình. Đường sá trong buôn làng được thanh niên dọn dẹp, sửa sang. Mọi nhà đều trang hoàng rực rỡ, chuẩn bị mổ heo, gà, một số gia đình giàu có còn mổ cả bò. Sau khi cất nông cụ được đưa vào kho, ngày…
Có thể bạn quan tâm:
Rất sớm, người M’Nông chuẩn bị đón Tết từ đầu tháng 9, tháng 10 âm lịch. Tết là dịp hội họp chung vui của cả buôn làng, những người đi xa cũng hối hả trở về sum họp với gia đình. Đường sá trong buôn làng được thanh niên dọn dẹp, sửa sang. Mọi nhà đều trang hoàng rực rỡ, chuẩn bị mổ heo, gà, một số gia đình giàu có còn mổ cả bò. Sau khi cất nông cụ được đưa vào kho, ngày 24 – 25 tháng Chạp, buôn làng bắt đầu vui chơi. Họ ăn Tết cho đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch, rồi mới bắt đầu lên nương rẫy sản xuất.
Trong nhà, người M’Nông coi trọng cái bếp nhất. Vì thế, những ngày Tết phải giữ bếp lửa luôn nồng ấm, tuyệt đối không để lửa tắt, cũng không cho người khác xin lửa. Các món ăn cổ truyền M’Nông hầu hết đều nấu nướng trực tiếp trên lửa than hồng. Theo kinh nghiệm, để có các món nướng ngon, phải dùng bếp củi đun bằng rễ cây, lửa than đỏ đều. Giữ cho ngọn lửa cháy đều là một kinh nghiệm của người đầu bếp giỏi, không nhen lửa quá mạnh hay quá yếu, vì sẽ làm món ăn chín không đều, nhiễm mùi khói. Đối với người M’Nông, những nồi đồng, mâm đồng, chiêng đồng không chỉ là vật dụng sinh hoạt mà còn là tài sản gia đình; nên ngày thường, họ nấu nướng trong nồi niêu bằng nhôm hay đất; ngày Tết, họ mới đem đồ đồng ra sử dụng.
Người M’Nông nấu cơm lam đãi khách rồi vùi trong tro bếp cho nóng.Ảnh:baogialai.com.vn
Ngày Tết của người M’Nông không thể thiếu rượu đãi khách đến nhà. Rượu tết được nấu bằng thứ nếp ngon nhất, không nấu gạo tẻ hay ngô, sắn như ngày thường. Để nhắm rượu ngày Tết, người M’Nông làm nhiều món thịt gà nướng, luộc; món cà đắng nấu lòng bò, gỏi đọt măng rừng, hay đánh tiết canh (dùng phèo lấy từ ruột heo đem băm sống và trộn với huyết). Ngoài ra, còn các món nướng khác như thịt heo băm nhỏ trộn với muối đựng trong ống tre rồi nướng; món thịt heo trộn với ruột non, gan, ruột già hỗn hợp đựng trong ống tre hoặc món gan và lá sách heo thái từng miếng nhỏ xiên vào que tre đem nướng.
Ngày Tết, người M’Nông đặt các thức nhắm rượu trên lá chuối hột rừng (người Kinh gọi là chuối chát), hoặc trên mâm đồng hay trong một chiếc rá (rổ) để chủ và khách vừa nhắm rượu, vừa chuyện trò. Ngày Tết, các món ăn của người M’Nông không những đẹp mắt, ngon miệng, mà tất cả còn phải thể hiện đúng phong vị ẩm thực cổ truyền của họ, từ cách chế biến đến cách trưng bày, thết đãi theo truyền thống dân tộc.
Các món ăn ngày Tết của người M’Nông tiêu biểu nhất là “canh thụt”. Đây là món ăn độc đáo, mang đậm hương vị núi rừng, với các nguyên liệu khó kiếm như lá bép, đọt mây, ớt và cà đắng. Phụ gia gồm có cá khô, sườn heo, mì chính, muối. Trước khi nấu, đàn ông vào rừng chọn một cây lồ ô có lóng dài, không già cũng không quá non, đem về cưa ra từng khúc 0,5 mét. Sau đó, phụ nữ M’Nông cho tất cả nguyên liệu vào ống lồ ô, gác lên bếp lửa, nấu. Khi nấu, thỉnh thoảng phải cầm một chiếc que dài thụt vào ống, để cho các thành phần của món canh chín đều, vì thế mới có tên là “canh thụt”.
Nguyên liệu chuẩn bị nấu canh thụt cần có lá bép, cá lòng tong, đọt mây, cà đắng… Ảnh:
baogialai.com.vn
Món độc đáo thứ hai là canh “biăp pu”. Nguyên liệu chính để nấu canh gồm có lá bép, bột gạo, vỏ chuối khô, thịt lợn, cá suối… Hái lá bép còn tươi, càng già càng tốt, về bỏ vào cối giã. Gạo đem ngâm nước lã một đêm trước, bỏ vào cối giã chung với lá nhao (lá bép khô, người M’Nông cất trên gác bếp). Tất cả mọi thứ được giã nát thành bột, sau đó khuấy với nước ấm, đủ độ chín mới nêm gia vị, thịt, cá vào nồi. Đặc biệt là món canh này người M’Nông không dùng muối. Họ phải lấy vỏ chuối khô hay rễ tranh, đốt cháy thành tro, giã nhỏ và lọc nước từ trước Tết, để cho vào canh tạo độ mặn. Người M’Nông quan niệm, các cô gái phải biết nấu canh biăp pu ngon mới là người trưởng thành, khi lấy chồng đủ sức đảm đang công việc nội trợ gia đình.
Trong các ngày Tết, người M’Nông thường nấu cơm nếp thay vì nấu cơm gạo tẻ và đặc sắc nhất là nấu theo cách thức truyền thống (nướng trên than hồng), còn gọi là nấu cơm lam. Họ dùng những ống lồ ô còn non, giữ lại mấu ở một đầu ống, cho gạo nếp và nước vào, nút lại. Sau đó đốt bằng lửa than. Nếp chín tỏa hương thơm, quyện với mùi của lồ ô tươi, khiến cho cơm lam có một hương vị đặc sắc, ngon hơn cơm nếp nấu bằng chõ hay nồi đồng.
Theo baogialai.com.vn