Cỗ 3 ngày Tết chỉ cần một giờ đi chợTết Việt hôm nay vẫn mang những tính cách đặc trưng theo phong tục tập quán, vẫn giữ gìn những “thủ tục” trong 3 ngày Tết như truyền thống, nhưnglại có sự biến tấu rất năng động đúng với cách tiếp cận xu hướng thời đại công nghệ, nhất là với thế hệ trẻ.Việc chuẩn bị Tết đã trở nên dễ dàng hơn, chỉ cần một tiếng ra chợ hay vào…

Có thể bạn quan tâm:

Cỗ 3 ngày Tết chỉ cần một giờ đi chợ

Tết Việt hôm nay vẫn mang những tính cách đặc trưng theo phong tục tập quán, vẫn giữ gìn những “thủ tục” trong 3 ngày Tết như truyền thống, nhưnglại có sự biến tấu rất năng động đúng với cách tiếp cận xu hướng thời đại công nghệ, nhất là với thế hệ trẻ.

Việc chuẩn bị Tết đã trở nên dễ dàng hơn, chỉ cần một tiếng ra chợ hay vào siêu thị là có đủ cho một cái Tết. Gần như tất cả đã được làm sẵn nên người ta không phải lụi cụi vất vả chuẩn bị Tết như xưa. Sự tiện lợi ấy giúp cho người ta không phải lo lắng nhiều, có thể đợi đến 27, 28 Tết ra chợ một vòng đã có đầy đủ cho 3 ngày Tết.

Tết Việt nay đã có rất nhiều sự thay đổi

Còn nhớ trước đây, “quy chuẩn” cho một mâm cỗ Tết truyền thống theo phong tục của người Việt nói chung để cúng Tổ tiên đêm 30 Tết và dịp đầu năm mới, ít nhất cũng phải có “4 bát, 8 đĩa” với các món ăn đặc trưng, trong đó có món nấu như miến, măng, bóng hầm; món khô như nem rán, giò chả các loại, gà luộc, cá chép kho và thêm bánh chưng (bánh tét), dưa hành, củ kiệu muối chua, mặn. Ngoài ra, trong mâm cúng tổ tiên vào 3 ngày Tết đầu năm còn phải có ngũ quả, bánh mứt, rượu, chè kho… Thời Tết xưa, để hoàn thành “4 bát 8 đĩa” theo truyền thống, người phụ nữ phải dụng công và tiêu tốn thời gian rất nhiều, chưa kể còn phải thật khéo, từ khâu chọn nguyên liệu đến thực hiện sơ chế, rồi tiến hành nấu nướng qua nhiều công đoạn…Nhưng hiện nay, những cô gái 8X, 9X vẫn có thể đảm đương “trong vòng nốt nhạc” một cách thong dong nhẹ nhàng. Với thực đơn đó, chỉ cần một giờ đồng hồ dạo siêu thị là có thể “rinh” về nhà đầy đủ, chất hết vào tủ lạnh, để đến đúng ngày, đúng giờ lấy ra bắc lên bếp hoặc cho vào lò vi sóng… Không phải nấu nướng hay sửa soạn công phu nên thời gian chuẩn bị trong những ngày giáp Tết cũng được rút ngắn rất nhiều. Nhiều người tranh thủ nghỉ ngơi, đủng đỉnh lo công việc cơ quan, thậm chí thay vì tất tả ra đường để hít khói xe với những quãng đường ùn tắc kéo dài, vài năm gần đây, các bà nội trợ chỉ ngồi nhà vẫn có thể mua sắm đầy đủ các loại đặc sản, thực phẩm, vật dụng cho ngày Tết ở các chợ Tết online. Chỉ sau một cú click chuột, tất cả cứ thế nườm nượp theo các shipper đến tận cửa nhà đúng ngày, đúng giờ dù đó đã là chiều 30 Tết….

Hàng hóa sẵn trong siêu thị, chỉ mất hơn một giờ là đã có một cái Tết đủ đầy

Xưa ăn Tết, nay chơi Tết

Theo truyền thống của người Việt, chiều 30 Tết, mọi nhà đều có nồi bánh chưng luộc để dâng lên tổ tiên vào phút giao thừa. Nồi bánh chưng dường như là trung tâm của các hoạt động ngày Tết. Nhớ Tết xưa là nhớ đến cái mùi hăng hăng đến cay xè mắt của khói củi gộc luộc bánh chưng. Lửa trong bếp lúc nào cũng đỏ rực, cháy bập bùng. Dăm viên gạch cũ xếp chồng lên nhau theo kiểu kiềng 3 chân là thành cái bếp luộc bánh chưng Tết…

Ngày nay, với sự chuyển mình của xã hội, Tết cũng đã khác xưa nhiều. Đã vắng mùi bánh chưng luộc vì phố phường chật chội, cuộc sống cũng bận rộn hơn trước. Việc “ăn Tết” cũng không còn quan trọng và cầu kỳ như xưa. Rất ít nhà còn giữ được nếp quê: gói bánh chưng, bánh tét; làm mứt, làm dưa, dựng nêu, mổ lợn… Xưa, mỗi khi đến Tết mọi người rất háo hức vì được ăn ngon, mặc đẹp. Cuộc sống khó khăn nên Tết là dịp duy nhất trong năm để sắm sửa và là dịp ăn uống thoải mái bù cho cả năm thiếu thốn. Nay, nhắc đến chuyện ăn uống ngày Tết thì ngược lại, rất nhiều người sợ. Người ta không còn háo hức với các món ăn ngày Tết bởi cuộc sống giờ đã dư dả, thịt cá không còn khan hiếm. Lớp trẻ thì sợ mập; người lớn ngán đường, sợ mỡ, hãi cholesterol…Và chuyện ăn uống ngày Tết cũng vì thế mà giản tiện rất nhiều. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Xuân Đính, nếu như xưa kia, quanh năm chỉ đợi đến ngày Tết để được ăn miếng bánh chưng, thịt gà, thì nay đời sống vật chất đã đủ đầy, bánh chưng được bán quanh năm. Thịt gà cũng không còn là tiêu chuẩn cho sự sung túc trong bữa cơm gia đình. Ngày nay, người ta dành nhiều hơn thời gian nghỉ Tết cho hoạt động du lịch, vui chơi giải trí, thăm thú bạn bè. Từ “ăn Tết” chuyển sang “chơi Tết” là một xu hướng tất yếu.

Tết của giới trẻ trên những cung đường phượt

Khoảng chục năm trở lại đây, “phượt” Tết trở thành trào lưu được giới trẻ Việt hưởng ứng nồng nhiệt. Thay vì đón Tết bên gia đình, một số bạn trẻ chọn cách đi đến một miền đất mới, những vùng đất xa xôi nơi rẻo cao Tây Bắc như Hà Giang, Mộc Châu, Hòa Bình, Lào Cai để khám phá và trải nghiệm cảm giác được một lần “xuân này con không về”… Vài năm trở lại đây, nhiều gia đình tất bật xếp hành lý không phải để về quê ăn Tết mà để đi du lịch đã trở nên phổ biến. Nhiều nhà tranh thủ “trốn” Tết, đi chơi từ năm cũ sang năm mới… Người đi du lịch trong nước, kẻ đi du lịch nước ngoài, tất cả đều với mục đích “đi xa để trải nghiệm”, tận hưởng quãng thời gian nghỉ ngơi dài ngày hiếm hoi trong năm để xả hơi, nạp thêm năng lượng để bước sang năm mới. Tết nay trở thành mùa du lịch cao điểm, mùa bội thu của các công ty lữ hành, những tour du lịch cả trong và ngoài nước luôn “cháy” khách trong dịp Tết.

Những cái Tết xa nhà mang lại những trải nghiệm mới

Có thể nói cuộc sống thay đổi, những cái Tết thời 4.0 cũng có rất nhiều đổi thay, có những điều đã rơi vào quên lãng, có những thứ như đang dần mờ phai và cũng có những cái Tết không giống nhau của mỗi thời, mỗi người. Tuy nhiên, bên cạnh những cái Tết “công nghiệp hóa” giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, đâu đó ta vẫn thấy nhiều gia đình vẫn giữ lại chút gì đó hương vị Tết truyền thống qua việc đi chợ Tết, gói giò, nấu bánh chưng… Vẫn bắt gặp những góc chợ Tết đầy màu sắc hay phút giao thừa đi hái lộc, phong tục tảo mộ, lễ chùa ngày đầu năm… Âu cũng là cách đón Tết của mỗi người theo cách riêng của mình.

CHÂU GIANG