Thế đấy giờ đã 30 năm trôi qua chúng tôi đã đi lấy chồng kẻ gần người xa, nhưng mỗi lần về nhìn thấy cảnh ông quét sân bà giặt quần áo rồi thỉnh thoảng nghe mấy câu “ông nó à, bà nó ơi…”, tôi lại cảm thấy ấm lòng, hóa ra gia đình tôi không “hạnh phúc” mà lại hạnh phúc phết nhỉ?…
Tâm sự của người phụ nữ cãi nhau với chồng như cơm bữa:
Tôi thường nghe bạn bè…
Có thể bạn quan tâm:
Thế đấy giờ đã 30 năm trôi qua chúng tôi đã đi lấy chồng kẻ gần người xa, nhưng mỗi lần về nhìn thấy cảnh ông quét sân bà giặt quần áo rồi thỉnh thoảng nghe mấy câu “ông nó à, bà nó ơi…”, tôi lại cảm thấy ấm lòng, hóa ra gia đình tôi không “hạnh phúc” mà lại hạnh phúc phết nhỉ?…
Tâm sự của người phụ nữ cãi nhau với chồng như cơm bữa:
Tôi thường nghe bạn bè than phiền vì họ sống trong một gia đình không hạnh phúc, bố mẹ cãi nhau, bố mẹ bắt ép này nọ, không cho họ tự quyết cái này cái kia. Nếu như theo tiêu chuẩn về “gia đình hạnh phúc” thì hẳn là gia đình tôi không hạnh phúc rồi vì bố mẹ tôi cứ ngồi 15 phút là lại cãi nhau. Tôi và các chị em phải sống trong một đế chế hà khắc với sự quản lý nghiêm ngặt của bố mẹ, nhưng sao mỗi lần nghĩ về gia đình mình tôi vẫn cứ tủm tỉm cười vì mình sống trong một gia đình không chuẩn “hạnh phúc”.
Bố tôi là một người nóng tính, yêu tiền như sinh mạng, mẹ tôi vì quá yêu bố nên cũng yêu luôn cả tiền. Kể chuyện về gia đình mình thì cũng có lắm chuyện. Bố và mẹ vốn dĩ không hợp tuổi (đó là theo như lời bà nội bảo, mà bà nội tôi lại theo như lời ông thầy bói bảo), nhưng cãi nhau thế thôi chứ bố mẹ tôi cũng cấm có rời xa nhau một ngày. Bố gọi mẹ tôi là “mẹ sề” còn mẹ cãi nhau với bố thế nào cũng không bao giờ xưng mày tao, suốt ngày gọi tên “bố bọn trẻ”.
Nhớ có lần vì chuyện tiền nong xây cất nhà bố và mẹ cãi nhau to, mẹ ghét bố lẳng lặng lôi quần áo cho vào cái bị như thể chuẩn bị bỏ nhà ra đi. Tôi lân la giữ mẹ lại thì mẹ lại ngồi khóc kể bố chúng mày tệ bạc lắm, rồi đủ chuyện từ xửa từ xưa bố đã đối xử không tốt với mẹ ra sao, rồi nếu không vì mẹ thương chị em tôi nhỏ dại thì đã bỏ đi lâu rồi. Nghe xong tôi cũng ngậm ngùi thương cho mẹ khổ vì bố quá chừng nên quyết tâm ủng hộ việc mẹ bỏ nhà ra đi, không thể để mẹ vì chúng tôi mà ở cạnh “người tệ bạc như bố”. Tôi liền hùng hồn tuyên bố, “thôi bố tệ vậy thì mẹ cứ đi đi, đừng ở với bố làm gì nữa. Con và các chị lớn rồi sẽ tự lo được, mẹ cứ yên tâm mà đi mẹ nhé”. Tôi vừa khóc vừa nói. Thế mà mẹ đang khóc lại kêu lên: “Ối giời ơi, tôi nuôi con bằng này để nó vào hùa với bố đuổi mẹ nó đi thế đấy. Tao không đi nữa cho bố con nhà mày biết tay. Còn cô ấy, phải để bố cô rước con hồ ly tinh vào nhà thì con mới biết mẹ ghẻ con chồng nó như thế nào nhá!” Bố thấy thế liền vào nịnh nọt: “Mẹ mày cứ nói oan tôi đuổi mẹ mày bao giờ. Còn cái con này, biết gì mà bép xép, ra quét sân ngay. Con với chả cái càng ngày càng hỏng, chả biết nó giống ai?” “Nó giống bố nó ấy”, mẹ tôi đáp trả. Đấy thế là hai ông bà lại lườm nguýt rồi làm hòa nhau, rồi quấn quýt lại luôn, chỉ khổ cho cái đứa nhỡ mồm nhỡ miệng là tôi ăn đủ gạch đá.
Có lần bố nghe lời bà nội kể rằng mẹ ở nhà đối xử tệ bạc với bà, cãi bà nhem nhẻm (bà ghét mẹ tôi lắm vì mẹ sinh một bề con gái, nên toàn xui bố bỏ mẹ lấy vợ hai để kiếm cho bà thằng cháu nội). Nghe bà nói xong bố tôi chẳng nói chẳng rằng đi tìm con dao, hai mắt đỏ hoe như khóc: “Bà yên tâm, hôm nay tôi sẽ dạy bảo nó (tức là mẹ tôi) cho chừa cái tội hỗn hào, tôi sẽ chém hết, chém hết”. Miệng nói tay làm, bố cứ mài dao ken két làm chị em tôi sợ rúm ró cả người. Bà biết đã lỡ lời nên cứ nem nép thỉnh thoảng ngó xem động tĩnh bố thế nào. Chị em tôi sợ quá chạy ra đầu ngõ, thấy mẹ về là rối rít bảo mẹ sang ngoại trốn, không về là bố giết mẹ đấy. Mặc chị em tôi gào khóc van xin, mẹ vẫn điềm nhiên đi về nhà. Thấy mẹ, bố chốt cửa cổng đuổi hết bà và các con ra đường đứng rồi lôi mẹ ra vườn chuối. Lúc sau thì tiếng động vang lên “Tao chém chết mày, chém chết mày, cho chừa cái tội dám hỗn hào với mẹ chồng” …
Bà nội và chúng tôi ở ngoài khóc lóc van xin nhưng bố vẫn không ngừng chém những nhát phập phập. “Mẹ xin con, con đừng giết nó, nó có láo với mẹ đâu, mày đừng giết nó mà đi tù con ơi”, bà tôi ở ngoài gào khóc thảm thiết, nhưng lạ thay ngoài tiếng bố chửi và những nhát chém ra thì tuyệt nhiên không thấy tiếng mẹ rên la dù là nhỏ nhất. Mãi đến chập tối nghe chừng đã thấm mệt bố mới mở cửa cho bà và chúng tôi vào. Chúng tôi đổ nhào đi tìm mẹ, nước mắt ngắn dài, nhưng lạ thay mẹ ngồi cuối góc vườn mắt đỏ hoe , người chẳng có giọt máu nào dù chị em tôi có xem xét mọi chỗ trên người mẹ. Còn một bụi chuối gần cạnh bị chém nát đến tơi bời.
Đêm hôm ấy tôi đi vệ sinh thì nghe tiếng bố mẹ thì thào nói chuyện. Mẹ bảo “Muốn chém chết người ta cơ mà, sao giờ còn sán lại ôm?”. Tiếng bố cười hì hì: “Thì phải làm thế bà mới thôi chứ không bà suốt ngày ăn vạ rồi kêu con dâu đối xử tệ bạc với làng với xóm, tôi đứng ở giữa phân xử mệt lắm”. Và quả nhiên sau chuyện đó bà tôi cũng thôi không dám nói xấu đặt điều mẹ tôi tệ bạc với bà, mặc dù thỉnh thoảng bà cũng có mắng mẹ đôi lời nhưng cũng đã đỡ hơn trước rất nhiều.
Chúng tôi lớn lên, bà nội cũng đỡ ghét mẹ dần vì mẹ tôi cũng là người ăn ở biết trước, biết sau. Nhưng mà càng lớn tôi lại càng ngang ngạnh cãi lời mẹ cứ “xoen xoét”. Có lần tôi cãi ngang với bố mà tính bố thì nóng vô cùng, bố liền lấy cái vung nồi áp suất lao để dọa. Thực ra tôi đứng mãi bên góc nhà, bố có lao vung thì lại lao ra phía khác, chủ yếu là để thị uy thôi chứ cũng chưa bao giờ nỡ đánh đập chị em tôi cả. Nhưng mẹ tôi ở ngoài tưởng bố lao vào người tôi thật, cuống cuồng chạy vào xem thế nào, bị cái vung nồi lao ngay vào chân chảy máu đau điếng. Mặt tôi tái mét nhìn mẹ khóc, còn bố thì chạy lại xuýt xoa: “Mẹ nó có sao không?”, rồi quay ra quát tôi “Oan lắm ấy mà khóc. Không vì mày thì vợ ông đã không bị đau. Vào lấy bông băng nhanh lên”. Sau khi băng xong ông quát ầm lên: “Sau này tao đuổi hết lũ vịt giời đi, nhà chỉ có hai ông bà già thôi. Tao chỉ yêu và thương mỗi mẹ mày thôi, chúng mày thì xéo hết”.
Thế đấy giờ đã 30 năm trôi qua chúng tôi đã đi lấy chồng kẻ gần người xa, nhưng mỗi lần về nhìn thấy cảnh ông quét sân bà giặt quần áo rồi thỉnh thoảng nghe mấy câu “ông nó à, bà nó ơi…”, tôi lại cảm thấy ấm lòng, hóa ra gia đình tôi không “hạnh phúc” mà lại hạnh phúc phết nhỉ?