Ăn phở Việt theo cách TâyNhững ngày cuối năm, giữa lúc gió rét buốt từng cơn mời gọi Tết về, một người bạn rủ tôi đi trải nghiệm “ăn phở Việt theo cách Tây” để biết mùi vị ăn phở thời nay khác ngày xưa thế nào. Tò mò, tôi hồ hởi đồng ý. Cửa hàng phở “kỳ lạ” mà bạn tôi đưa đến nằm trên phố Khâm Thiên với cái tên khá đặc biệt “Phở Mẹ Việt”. Cửa hàng có không…
Có thể bạn quan tâm:
Ăn phở Việt theo cách Tây
Những ngày cuối năm, giữa lúc gió rét buốt từng cơn mời gọi Tết về, một người bạn rủ tôi đi trải nghiệm “ăn phở Việt theo cách Tây” để biết mùi vị ăn phở thời nay khác ngày xưa thế nào. Tò mò, tôi hồ hởi đồng ý. Cửa hàng phở “kỳ lạ” mà bạn tôi đưa đến nằm trên phố Khâm Thiên với cái tên khá đặc biệt “Phở Mẹ Việt”. Cửa hàng có không gian rộng rãi, thoáng mát được bày biện, trang trí rất bắt mắt. Dọc bức tường treo hàng dài những chiếc nón lá.
Điều kỳ lạ ở chỗ, mặc dù thực khách rất đông nhưng nhân viên phục vụ chỉ có vài người. Nấn ná ngắm nhìn khắp nơi, ngoài việc có một bảng điện tử báo số lượng suất còn trong ngày ở cuối bức tường đối diện cửa đi vào, tôi vẫn chưa phát hiện ra có điểm gì liên quan đến “ăn phở Việt theo cách Tây”. Tuy nhiên, không phải chờ đợi lâu, vài phút sau, một nữ nhân viên trẻ nhanh nhẹn chạy ra chào hỏi và mời chúng tôi chọn món.
Những bát phở mang đậm hương vị Việt thời 4.0
Cuối cùng, tôi cũng vỡ lẽ ra, “ăn phở Việt theo cách Tây” chính là việc nhân viên ở đây không ghi chép món ăn của khách theo cách thông thường mà sẽ mời khách chọn món trên ứng dụng điện thoại thông minh. Thực khách có thể chọn bất kỳ món ăn nào với giá tiền đã được niêm yết sẵn, mọi yêu cầu, từ nước dùng, độ mặn, nhạt hay thêm bớt gia giảm… đều có thể lưu ý ngay trên điện thoại. Sau khi khách đã lựa chọn xong, nhấn nút chuyển trong vòng 7 phút sau, món ăn sẽ được chuyển lên mà không hề có sự sai sót, nhầm lẫn.
Nói về phong cách phục vụ khá lạ lùng này, anh Vũ Bảo Chung, người quản lý tại đây, giải thích: “Với mục tiêu hướng tới ngay từ những ngày đầu, cửa hàng chúng tôi đã đưa ra phương châm “7 phút”, tức là phải làm sao sau 7 phút các món ăn phải đến khách hàng với thái độ phục vụ tốt nhất. Để làm được điều đó bí quyết của cửa hàng là ứng dụng công nghệ vào khâu truyền thông tin hai chiều từ khách hàng đến bếp và ngược lại”. Đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thực khách, cửa hàng còn có một trang web riêng để phục vụ những khách hàng ở xa.
Trang web này có đầy đủ thông tin các món ăn, số lượng món hiện còn để khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn. Còn với những thực khách tìm đến tận nơi, trong cửa hàng có sẵn một bảng điện tử, luôn hiển thị số bát hiện còn. Mỗi khi khách hàng gọi món, số bát sẽ tự động được trừ đi. Cửa hàng cũng chỉ bán trong phạm vi số bát đã quy định để tránh việc dư thừa thực phẩm, phải để vào ngăn đá làm giảm chất lượng của món ăn. Do đó, nguồn thực phẩm luôn được tươi ngon, đảm bảo vệ sinh.
Về gọi món, khách hàng có thể chọn trực tiếp trên menu hoặc trên phần mềm của cửa hàng, các thông tin về món ăn, sở thích của khách sẽ được truyền xuống chiếc Ipad được lắp đặt trong bếp, nhà bếp sẽ theo đó mà xử lý. Do việc áp dụng công nghệ thông tin nên độ chính xác về thông tin của các món ăn được truyền đạt cụ thể, nhà bếp phục vụ chính xác và nhanh chóng hơn, không bị lẫn lộn như trước. Anh Chung chia sẻ thêm: “Trước đây, khi chúng tôi có ý định mở cửa hàng phở thì được biết, ở trên Yên Bái đã từng có một quán phở tương tự áp dụng công nghệ vào việc phục vụ khách hàng.
Khách hàng vào ăn, cũng sẽ lựa chọn món ăn trên ứng dụng phần mềm của Ipad và các món ăn được chuyển đến tay khách hàng qua những băng chuyền. Đây là một cách làm rất hay, tiết kiệm nhân công. Tuy nhiên, với chúng tôi, kiểu phục vụ này có phần hơi nặng tính chất công nghiệp, thiếu đi sự ấm cúng, thân thiện của một quán thuần Việt cần có nên đã quyết định không dùng băng chuyền mà sử dụng vài nhân viên để chạy bàn, bê đến tận nơi cho khách”.
Thời gian đầu, khách qua quán thường khá e dè vì cảm thấy quán có vẻ sạch sẽ, sang trọng, lúc gọi món sẽ được miễn phí rau, nộm và một phần hoa quả. Họ cho rằng với một suất ăn đầy đủ như vậy giá cả sẽ rất cao, tuy nhiên trên thực tế, do việc áp dụng công nghệ và tiết kiệm tối đa nhân công, mỗi bát phở chỉ giao động từ 30.000 đồng – 45.000 đồng. Sau một vài lần đến ăn thử, người nọ truyền tai người kia, đến nay, số lượng khách đến quán càng ngày càng đông. Chia sẻ cảm nhận về cửa hàng phở đặc biệt này, chị Phạm Thu Hương (ở phường Thổ Quan, Khâm Thiên) cho biết, từ ngày biết đến phở công nghệ, nhà chị đã chọn hẳn quán này làm địa điểm ăn uống “ruột”.
Lý do thứ nhất là vì thái độ phục vụ của nhân viên tốt, các yêu cầu của khách hàng được đáp ứng một cách nhanh chóng, chính xác, thứ hai là các món ăn ở đây khá ngon, không thua kém gì các quán phở nổi tiếng khác ở Hà Nội. Ngoài ra, chị Hương cũng có thể ngồi ở nhà, chọn món trước, đến nơi, chỉ việc trao đổi lại với nhân viên và nhận đồ ăn. “Tôi rất thích cách phục vụ ở cửa hàng này bởi sự nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, không như những quán phở “truyền thống” khác, chờ đợi rất lâu, thậm chí xếp hàng dài để có được một bát phở. Nhiều cửa hàng khi nhầm lẫn còn “ép” khách hàng ăn tạm… khiến nhiều người không hài lòng”, chị Hương chia sẻ.
Mô hình thời thành phố thông minh
Nói về phong cách phục vụ khá lạ lùng này, anh Vũ Bảo Chung, người quản lý tại đây, giải thích: “Mục tiêu hướng tới ngay từ những ngày đầu của cửa hàng chúng tôi là “7 phút”, tức là phải làm sao sau 7 phút các món ăn phải đến khách hàng với thái độ phục vụ tốt nhất.
Mô hình phở 4.0 không chỉ xuất hiện ở “Phở Mẹ Việt” mà còn đang được ứng dụng ở một số cửa hàng ăn khác tại Hà Nội. Tại một quán cơm trên phố Hàn Thuyên, khách hàng đến đây cũng dễ dàng chọn món qua Ipad, đồ ăn nhanh chóng được chuyển xuống bằng đường thang máy và sau đó các nhân viên phục vụ sẽ mang tới tận bàn cho khách. Nhìn nhận một cách khách quan từ sự phát triển của các quán phở 4.0 đến việc phát triển kinh tế thời nay có thể thấy, đây là một mô hình kinh doanh hay, phù hợp với xu thế của thời đại.
Xu thế mới của thời đại là đón đầu “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” với trọng tâm là công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi các phương thức hoạt động, sản xuất… cũng như cuộc sống của con người. Thế nhưng, trên thực tế là dù công nghệ có phát triển tới đâu chăng nữa, có áp dụng công nghệ mới thế nào đi nữa nhưng người sử dụng không thành thạo hoặc không biết áp dụng để phục vụ đời sống, sản xuất thì công nghệ đó cũng sẽ nhanh chóng lạc hậu và không mang lại hiệu quả.
Nếu so sánh cửa hàng phở áp dụng công nghệ 4.0 với một số hàng phở nổi tiếng khác ở Hà Nội, với lượng thực khách đông đảo, sẽ nhận thấy khá nhiều điều chênh lệch trong cung cách phục vụ, cũng như mức độ hài lòng của khách hàng. Điều đáng bàn ở đây chính là, nếu những cửa hàng phở này đều ứng dụng công nghệ tự động vào kinh doanh sẽ giúp giảm được rất nhiều chi phí từ thuê nhân công cho đến việc phục vụ khách hàng chu đáo, tận tình…
Rời “Phở Mẹ Việt” khi trời đã nhá nhem tối, trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón mùa xuân mới, câu chuyện phát triển kinh tế với ứng dụng công nghệ 4.0 của chúng tôi vẫn tiếp tục rôm rả…
Tết đang chuẩn bị gõ cửa từng ngõ ngách, phố phường của Thủ đô!
Võ Giang – Lê Thắm