Văn HoàngỞ các vùng nông thôn, chuối chát khá quen thuộc, vườn nhà ai cũng trồng dăm bảy bụi chuối. Theo kinh nghiệm dân gian, chuối chát là một vị thuốc quý có lợi cho cơ thể con người, có thể hỗ trợ chữa trị các bệnh loét dạ dày, sỏi thận, táo bón, tăng cường hệ miễn dịch…Do đó, chuối làm nguyên liệu để chế biến một số món ăn nhằm kích thích tiêu hóa và bồi dưỡng, chữa…

Có thể bạn quan tâm:

Văn Hoàng

Ở các vùng nông thôn, chuối chát khá quen thuộc, vườn nhà ai cũng trồng dăm bảy bụi chuối. Theo kinh nghiệm dân gian, chuối chát là một vị thuốc quý có lợi cho cơ thể con người, có thể hỗ trợ chữa trị các bệnh loét dạ dày, sỏi thận, táo bón, tăng cường hệ miễn dịch…

Do đó, chuối làm nguyên liệu để chế biến một số món ăn nhằm kích thích tiêu hóa và bồi dưỡng, chữa bệnh là một quá trình trải nghiệm lâu đời của nhiều thế hệ người dân thôn quê.

Bên cạnh xào, om, kho cá, nấu canh, xắt ăn cùng rau sống hoặc ngâm với rượu uống thì chuối chát còn được dùng nấu canh với xương. Trong các đám giỗ, cúng đất, chạp mả, cúng tất niên, ngày tết, canh chuối chát là món ăn dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn; trước cúng tổ tiên, ông bà, sau là họ hàng, con cháu thưởng thức.

Không cần nhiều nguyên liệu chế biến, chỉ gồm một ít sườn heo và các loại rau gia vị nhưng món canh này lại đòi hỏi người nấu có sự khéo léo và nhiều kinh nghiệm ngay từ khâu chọn nguyên liệu.

Trước tiên nên chọn quả chuối chát vừa ăn, tránh những quả hột lớn vì vị chát nhiều sẽ làm món canh không ngon. Những người nhiều kinh nghiệm thường không chọn những quả to mọng mà chuộng quả thon nhỏ, da xanh um, ít hạt, nước canh sẽ rất ngọt. Chọn chuối xong, gọt vỏ, thái chuối thành từng khúc nhỏ, mỗi khúc thái mỏng trên thân để chuối thấm gia vị và mau chín. Ngâm chuối trong nước vắt quả chanh tươi (hoặc vài muỗng giấm ăn) cho chuối nhả mủ, có màu trắng non đẹp mắt. Sau khoảng nửa giờ thì vớt chuối, rửa lại và để ráo.

Riêng sườn chọn loại non, có phần thịt nạc xen kẽ ít bông mỡ, chặt khúc ướp qua một ít gia vị. Như vậy là đã hoàn thành công đoạn sơ chế. Tiếp tục phi hành với dầu cho thơm rồi trút sườn vào xào cho thấm, tiếp tục cho củ chuối chát vào. Canh được ninh với lượng nước thích hợp. Khi canh chín nhanh tay cho ngò, một ít tiêu vào là có thể ăn được.

Canh nấu càng nhiều lần càng đậm đà, thêm ngon, không gây ớn ngậy. Húp tô canh nóng, mồ hôi lấm tấm trên trán, mọi cảm giác mệt mỏi dường như tan biến trong vị thơm ngon đậm đà, chân chất hồn quê.

Văn Hoàng