Đến thăm trại heo rừng Phú Hữu, nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, quận 9 (TP HCM) trong những ngày cuối năm Mậu Tuất, hình ảnh đầu tiên là hàng chục con heo rừng được thả rông trong khoảng sân vườn rộng phía trước những dãy chuồng. Còn trong các chuồng ở khu trại nuôi là hàng trăm con heo rừng khác. Trại heo này của anh Vũ Văn Thành, đang nuôi giống heo rừng được nhập…

Có thể bạn quan tâm:

Đến thăm trại heo rừng Phú Hữu, nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, quận 9 (TP HCM) trong những ngày cuối năm Mậu Tuất, hình ảnh đầu tiên là hàng chục con heo rừng được thả rông trong khoảng sân vườn rộng phía trước những dãy chuồng. Còn trong các chuồng ở khu trại nuôi là hàng trăm con heo rừng khác. Trại heo này của anh Vũ Văn Thành, đang nuôi giống heo rừng được nhập ngoại từ Thái Lan về.

Lợn rừng được nuôi bằng những thức ăn tự nhiên.

Đây cũng là mô hình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi thành công của địa phương. Với diện tích 4.000 m2, anh Thành đã đầu tư vào khu chuồng trại nuôi heo rừng của mình với khoảng 1 tỷ đồng tiền vốn. Trại được chia làm nhiều khu chuồng nuôi, mỗi chuồng được thiết kế có một khoảng sân trống để heo rừng được nuôi theo kiểu bán hoang dã. Các khu chuồng cũng được bố trí phù hợp với từng giai đoạn phát triển của heo như: heo con, heo nhỡ, heo sắp đẻ hay heo đang dưỡng bệnh…, cách ly nhằm dễ quản lý và kiểm soát.

Anh Thành cho biết, khoảng 10 năm nay, anh và những hộ nông dân nuôi heo rừng phường Phú Hữu, Quận 9 đã xây dựng được một “thương hiệu” tại thị trường TP HCM và trên cả nước. Heo rừng nái và heo rừng thịt từ đây được xuất bán đi các tỉnh miền Tây, miền Trung, thậm chí ra tới miền Bắc, được ưa chuộng bởi chất lượng cao.

Anh Vũ Văn Thành cho biết: “Ở đây, lợn được nuôi thả rông và cho ăn chuối cây và đậu hũ cho nên da, bì dầy hơn, nhiều thịt lợn các loại heo khác”.

Ông Phạm Văn Nhơn, một trong những thành viên có kinh nghiệm lâu năm trong Tổ hợp tác Chăn nuôi heo rừng Phú Hữu, TP HCM cho biết: Hiện nay, chăn nuôi heo rừng là một nghề khá dễ làm và cho thu nhập cao. Heo rừng có sức đề kháng tốt nên ít bị bệnh, thức ăn chủ yếu là rau cỏ nên chi phí không cao. Quan trọng là thị trường đầu ra của heo rừng khá nhiều, giá cả dao động từ 130.000 – 200.000 đồng/kg, đảm bảo người nuôi có lãi. Như các trại nuôi heo rừng ở Phú Hữu, heo rừng thịt và heo rừng giống nuôi không đủ bán.

Ông Phạm Văn Nhơn chia sẻ: “Heo rừng có một điểm chung là không tốn thực phẩm, không lệ thuộc ngày xuất chuồng bởi nó lớn rất chậm. Có gì cho ăn đấy, có bắp cho ăn bắp, có khoai ăn khoai, có rau ăn rau có cỏ ăn cỏ. Thịt heo này sạch và ít mỡ”.

Hiện những người nuôi heo rừng ở Phú Hữu có thể chủ động nguồn con giống cho trại của mình và cung cấp cho thị trường. Với heo rừng thịt, tùy theo nhu cầu của khách, các trại có thể cung cấp loại từ 10-80 kg/con. Trung bình, nếu thuận lợi, chủ một trại heo rừng rộng vài ngàn mét vuông với vài trăm con có thể thu nhập khoảng 400 -500 triệu đồng/năm. Còn lao động làm thuê cũng có thu nhập khoảng 300 ngàn đồng một ngày hoặc từ 5- 6 triệu đồng/tháng nên cũng bám trụ được.

Anh Mai Văn Thương, nhân công lao động tại Trang trại chăn nuôi lợn rừng ở Phú Hữu, TP HCM bộc bạch, tính ra tiền công nuôi heo rừng, mỗi ngày cũng được khoảng 300.000 đồng.

Tại Việt Nam, chăn nuôi heo rừng có từ năm 2002 và phát triển mạnh từ năm 2005 tới nay. Những năm gần đây, sức tiêu thụ thị heo rừng nuôi trong dịp Tết luôn tăng cao. Bởi, theo quan niệm của nhiều người, ăn thịt heo rừng đầu năm mới sẽ mang lại nhiều may mắn cho cả năm. Chính vì vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, thịt heo rừng nuôi được bán chạy nhất. Do được nuôi bán tự nhiên với thức ăn gồm cám ngô, cám gạo và các loại rau rừng nên chất lượng thịt heo rừng thường thơm, ngon hơn heo thường. Bởi vậy, trong thời điểm cuối năm, nhiều người từ mọi nơi đã đổ về Phú Hữu tìm mua và đặt cọc mua những con heo rừng khỏe mạnh, thịt săn chắc để ăn và làm quà biếu trong dịp Tết này./.

Tiến Dũng/VOV-TP HCM