Như một thông lệ, bắt đầu bước qua tháng Chạp, cứ mỗi lần đi chợ là má tôi tha về vài ký củ kiệu tươi. Tích cóp vài buổi chợ như thế, má có hơn chục ký kiệu tươi trong nhà.Má ngồi cắt gốc, lột vỏ, rửa sạch rồi ngâm nước tro tàu. Má phơi củ kiệu bằng cái nia tròn thật to đan bằng tre. Nghe mùi kiệu thơm nồng ngoài sân bay thoảng thoảng, không cần xem lịch, chúng tôi cũng biết…

Có thể bạn quan tâm:

Như một thông lệ, bắt đầu bước qua tháng Chạp, cứ mỗi lần đi chợ là má tôi tha về vài ký củ kiệu tươi. Tích cóp vài buổi chợ như thế, má có hơn chục ký kiệu tươi trong nhà.

Má ngồi cắt gốc, lột vỏ, rửa sạch rồi ngâm nước tro tàu. Má phơi củ kiệu bằng cái nia tròn thật to đan bằng tre. Nghe mùi kiệu thơm nồng ngoài sân bay thoảng thoảng, không cần xem lịch, chúng tôi cũng biết Tết sắp về. Khi kiệu vừa héo tới, má đem vô tỉa gọn lại và lột tiếp lớp vỏ mỏng bao bên ngoài. Tuổi già sức yếu, thường bị nhức mỏi, đau lưng, vậy mà má không quản ngại, ngồi cặm cụi hằng giờ, tằn mằn, tỉ mỉ, chăm chút tỉa từng củ kiệu đến sạch bon mới thôi.

Má chuẩn bị sẵn các hũ thủy tinh đựng giấm đường và lần lượt cho kiệu vào hũ ngâm khoảng độ vài tuần. Kiệu được xếp thành nhiều hàng trong hũ, trông rất đẹp mắt. Khi nếm thử thấy vị chua chua, ngọt ngọt ăn được là má kêu các con đến để chia phần. Kiệu má làm thì hết ý, màu sắc kiệu trắng đều, không bị ngả vàng hay ửng hồng như kiệu của những người làm chưa khéo, ăn vào vị chua chua, ngọt ngọt, giòn giòn, thật dịu, thật thanh. Con cháu, mỗi hộ sung sướng rinh về một hũ kiệu, ai nấy đều rất thích thú với món quà Tết đặc biệt này của má.

Kiệu được xếp thành nhiều hàng trong hũ, trông rất đẹp mắt.

Dù ngoài chợ hay siêu thị, kiệu làm sẵn không thiếu gì, nhưng chúng tôi ai cũng đều thích ăn kiệu do chính tay má làm, không chỉ vì kiệu rất ngon mà trong đó có chứa đựng tình thương bao la của má. Má nói kiệu làm ở nhà ăn yên tâm hơn ở ngoài chợ vì đảm bảo vệ sinh, lại ngâm bằng giấm nuôi chứ không phải giấm axit nên vị ngọt dịu và không hại. Hũ kiệu nhà nào cũng vơi đi rất nhanh, có khi chưa đến Tết đã hết, phải xin má cho thêm.

Thằng cháu tôi đi du học, về Việt Nam ăn Tết, thưởng thức các món do bà nội nấu, nó luôn miệng trầm trồ khen ngợi: “Hương vị ngày Tết Việt Nam thật đặc biệt không thể tìm thấy ở quốc gia nào khác”. Nó còn livestream bàn ăn ngày Tết và say sưa giới thiệu cho cô bạn nước ngoài nghe ẩm thực Tết Việt: nào là món củ kiệu cay nồng ăn với tôm khô thơm ngọt; món bánh chưng, bánh tét ăn kèm với dưa món, củ kiệu hết ý; kia là nồi thịt kho tàu với trứng vịt ăn kèm với món dưa giá, củ kiệu tuyệt vời; rồi còn món gỏi tôm, thịt trộn với ngó sen, rau thơm và củ kiệu bào mỏng.

Nó còn hào hứng giới thiệu món khổ qua dồn thịt – ăn vào cho khổ nó qua – mà Tết nào bà nội cũng chăm chút nấu cho cả nhà ăn. Cháu tôi rất khoái món bánh tráng cuốn thịt luộc, rau sống, chấm với nước mắm pha với củ kiệu, thơm ngon làm sao! Nó còn nhớ rõ, năm nào ra Giêng bà nội cũng triệu tập con cháu về nhà, họp mặt tân niên bằng một chầu cá lóc nướng trui hấp dẫn, ăn với nước mắm củ kiệu do chính tay bà pha, ăn vào là ghiền và nhớ mãi…

Bên mâm cơm ngày Tết, chúng tôi như thấy má vẫn còn với nụ cười hiền và thái độ ân cần chăm chút bữa ăn cho con cháu

Cháu tôi còn nói chắc như đinh đóng cột: “Không đâu ăn cơm ngon bằng cơm bà nội nấu, không đâu có kiệu ngon tuyệt vời như kiệu bà nội làm. Hương vị thật đặc biệt chỉ quê mình mới có”.

Nghe cháu nói, má tôi mắt rạng ngời hạnh phúc, nhoẻn miệng móm mém, nở nụ cười hiền, mắng yêu cháu: “Tổ cha mày, bây chỉ giỏi nịnh thôi”. Rồi má nhìn xa xăm nói: “Bà ước gì còn được khỏe hoài để nấu cho các con, các cháu ăn”.

Bên mâm cơm ngày Tết, chúng tôi như thấy má vẫn còn với nụ cười hiền và thái độ ân cần chăm chút bữa ăn cho con cháu. Chúng con vẫn luôn nhớ về những cái Tết ấm cúng năm xưa với hương kiệu tuyệt vời của má. Nhưng ông trời đã không chìu lòng người. Má tôi đã không còn thực hiện được ước mơ của mình với con cháu. Năm nay, chuẩn bị đón Tết, cả nhà buồn rười rượi, ai nấy thẫn thờ vì vắng má.