Chơi hoa mai ngày Tết đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ. Ảnh: Đăng BảySứ giả mùa Xuân phương NamNếu ở miền Bắc, hoa đào là biểu tượng của mùa Xuân, thì hoa mai là “sứ giả” cho Tết ấm phương Nam. Tết đến, giữa vườn Xuân muôn hoa khoe sắc, hoa mai nổi bật lên với dáng vẻ cứng cáp của thân gốc, mạnh mẽ của những cành đâm ngang sổ dọc, dịu dàng mềm…
Có thể bạn quan tâm:
Chơi hoa mai ngày Tết đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ. Ảnh: Đăng Bảy
Sứ giả mùa Xuân phương Nam
Nếu ở miền Bắc, hoa đào là biểu tượng của mùa Xuân, thì hoa mai là “sứ giả” cho Tết ấm phương Nam. Tết đến, giữa vườn Xuân muôn hoa khoe sắc, hoa mai nổi bật lên với dáng vẻ cứng cáp của thân gốc, mạnh mẽ của những cành đâm ngang sổ dọc, dịu dàng mềm mại của những đường uốn cong, mảnh mai quý phái của cành hoa và màu vàng cứ rực lên, hòa lẫn vào nắng, khiến người ta càng ngắm càng say. Chính vì nó đặc biệt như thế nên trong bộ tranh Tứ thời ưa chuộng ở miền Nam, hoa mai được xếp đầu tiên rồi mới đến các hoa khác (mai – lan – cúc – trúc).
Từ sáng sớm, bà con đã nhanh tay chèo đưa hàng về chợ nổi. Ảnh: Đăng Bảy
Trước kia thường chỉ có mai 5 cánh như ngôi sao, tượng trưng cho hình ảnh của 5 vị thần may mắn trong Ngũ phúc (phước, lộc, thọ, khang, ninh). Ngày nay, nhờ sự can thiệp của công nghệ lai ghép, có rất nhiều loại mai đẹp 10-12, thậm chí 15 cánh, bông nở to. Đối với các nghệ nhân biết thưởng lãm thì mai là loài hoa có linh khí, ngay cả hương thơm của nó cũng rất kín đáo và kén chọn. Khi đêm xuống thật sâu, khí trời trong lành, tâm thật tĩnh lặng thì người yêu mai mới có thể cảm nhận được hương thoang thoảng, đặc trưng của mai.
Chợ nổi – nét đặc trưng của miền sông nước
Một nét đặc trưng của miền Nam là chợ nổi. Với hơn 54.000km chiều dài sông rạch, những chợ nổi trên sông đã gắn liền với đời sống nhân dân miền Tây Nam Bộ từ thời khẩn hoang lập ấp. Ở bất cứ nơi nào, những ngã ba, ngã bảy của các con sông, ở những nơi dân cư đông đúc, chợ nổi đều có thể mọc lên. Chợ họp ngay trên sông, với tất cả các hoạt động giao thương buôn bán từ nhỏ đến lớn, sầm uất và náo nhiệt.
Chợ nổi có mặt ở hầu hết miền Tây Nam Bộ, nhưng nổi tiếng nhất là các chợ Phụng Hiệp (Hậu Giang), Phong Điền, Cái Răng (Cần Thơ), Trà Ôn (Vĩnh Long), Cồn Tròn (Tiền Giang), Chợ Thơm (Bến Tre)… Trong làn sương sớm chưa tỏ mặt người, từ những nhánh sông hiền hòa, các bà, các chị mặc áo bà ba, cổ mang khăn rằn, thoăn thoắt mái chèo đưa những chiếc xuồng đầy ắp cây trái cho kịp phiên chợ. Chợ họp mỗi ngày, nhưng vui nhất vẫn là dịp Tết…
Từ đầu tháng Chạp, những ghe hoa đã đến nhóm họp làm sáng rực cả một khúc sông. Đến Rằm tháng Chạp, chợ nổi đã tấp nập ghe xuồng đầy ắp rau, củ, quả, cua, tôm cá và các sản vật miền sông nước để phục vụ cho dịp Tết. Lúc vãn khách, thỉnh thoảng lại được nghe những câu hò, giọng hát phát ra từ những chiếc thuyền chở đầy sản vật miền quê… Chợ nổi với những ghe hàng nhiều sắc màu đã thấm vào máu, vào thịt, vào nhịp sống thường ngày của bà con miền Tây và là niềm tự hào của mảnh đất này từ hàng trăm năm nay.
Mâm cỗ ngày Xuân
Ngày Tết, nếu mâm cỗ của miền Bắc không thể thiếu ba món như bánh chưng, giò lợn hầm măng khô và thịt đông thì hầu như nhà nào ở miền Nam cũng có ba món truyền thống cơ bản là bánh tét, nồi thịt kho tàu và món canh khổ qua. Bánh tét miền Nam được làm từ chuối, đậu xanh, giò heo, thịt, trứng, nấm… và được gói thành đòn dài.
Trong ngày đầu năm, bánh tét là món ăn có mặt trong bữa cơm mừng năm mới, bên cạnh là đĩa tôm khô, củ kiệu ăn kèm. Thịt để kho trứng nước dừa thường là thịt ba rọi thái miếng to cỡ 3 ngón tay ướp với các gia vị là nước mắm, đường, hành tỏi, ớt… Thịt được nấu với nước dừa xiêm thì cho trứng đã luộc chín vào kho chung, để lửa liu riu đến khi thịt mềm, nước trong nồi có màu cánh gián là được.
Quýt Lai Vung, Đồng Tháp vào mùa thu hoạch. Ảnh: Đăng Bảy
Tuy là món ăn bình dân, nhưng canh khổ qua (mướp đắng) nhồi thịt chứa đựng nhiều yếu tố tâm linh theo suy nghĩ của người miền Nam. Theo truyền thống, người dân phương Nam ăn món này đầu năm là để cầu mong mọi chuyện không may mắn trong năm cũ sẽ qua đi (khổ-qua), một năm mới bình yên, hạnh phúc sẽ đến. Đây là món ăn thích hợp trong thời tiết nắng nóng của miền Nam, bởi nó có tác dụng thanh nhiệt, rất tốt cho sức khỏe.
Mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi vùng miền, khu vực hay giữa các tỉnh, thậm chí các huyện trong cùng tỉnh đã mang những sắc thái riêng về văn hóa, phong tục, tập quán. Nhưng tựu trung lại ở một điểm: Tết là dịp để chúng ta tưởng nhớ tới cội nguồn, tổ tiên, ông bà; là dịp nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình sau một năm làm ăn, lao động vất vả. Cũng cần phải nhớ rằng, chơi Tết, ăn Tết, nghỉ Tết sao cho vui tươi, lành mạnh, an toàn, tránh lãng phí, đừng quên việc chung, bỏ bê việc nhà.
Đăng Bảy