Chọn lá dongĐể gói bánh chưng ngon, cần phải biết cách phân biệt lá dong nếp và lá dong tẻ. Về hình dạng, lá nếp thường hơi phình ra ở phần cuống, cuống nhỏ, hai mặt trái phải có màu xanh đậm nhạt khác nhau. Trong khi đó loại lá tẻ chỉ có một màu xanh ngắt, lá dẹt, dài, cuống to, lá nổi gân đậm, lá giòn, dễ rách. Gói phải loại lá này bánh sẽ không thơm. Khi chọn tốt nhất nên mua…

Có thể bạn quan tâm:

Chọn lá dong

Để gói bánh chưng ngon, cần phải biết cách phân biệt lá dong nếp và lá dong tẻ. Về hình dạng, lá nếp thường hơi phình ra ở phần cuống, cuống nhỏ, hai mặt trái phải có màu xanh đậm nhạt khác nhau. Trong khi đó loại lá tẻ chỉ có một màu xanh ngắt, lá dẹt, dài, cuống to, lá nổi gân đậm, lá giòn, dễ rách. Gói phải loại lá này bánh sẽ không thơm. Khi chọn tốt nhất nên mua loại lá nếp, chọn được loại phình ở đuôi càng tốt. Tuyệt đối tránh mua các loại lá dong to như lá chuối.

Lá dong rửa hai mặt cho đến khi không còn gợn bẩn nào thì để cho ráo nước, vài ngày sau đến khi gói bánh mới tỉa tót cho vừa vặn.

Theo kinh nghiệm của người dân làng bánh chưng cổ truyền Tranh Khúc, Thường Tín, Hà Nội, để gói bánh nhanh, để được lâu, lại dễ bóc thì trước khi gói bánh, người ta xếp cứ một chiếc lá dọc lại đến một chiếc lá đặt ngang. Chiếc lá ngoài cùng cần lá hơi già, đẹp để khi luộc bánh lên lá vẫn giữ được màu xanh. Chiếc lá trong cùng là lá bánh tẻ, lá đẹp nhất. Mỗi chiếc bánh cần ít nhất 4 lá. Dù vậy, muốn bánh giữ lâu hơn thì nên gói từ 5 đến 6 lá.

Ngâm gạo

Gạo nếp để gói bánh chưng phải được đãi thật sạch qua hàng chục nước đến khi nào nước trong mới thôi. Làm như vậy để rửa trôi hết bụi cám bám quanh hạt nếp đi, bánh sẽ trong và lâu bị chua.

Gạo nếp ngâm trước 1 đêm, được trộn với nước lá riềng xanh mướt. Một số nơi ở miền Trung, trước khi gói bánh tét, người ta ngâm nếp qua nước tro. Nước tro cũng là môi trường kiềm nên sau khi nấu, nếp trong bánh mau chín và rất trong.

Dùng lá giềng (riềng) giã nhỏ lấy nước trộn với gạo nếp ngay trước khi gói bánh, như vậy bánh sẽ có một màu xanh suốt từ vỏ đến nhân và lại có một mùi thơm rất đặc biệt nữa.

Ngâm nếp trong nước dứa từ 1 đến 3 giờ hoặc vắt chanh vào gạo nếp trước khi gói, như vậy bánh sẽ mau chín hơn. Nhưng không nên ngâm lâu vì gạo nếp có thể bị rã thành bột.

Chọn đỗ xanh

Đỗ xanh là phần nhân nằm gần tâm bánh chưng (phần thịt). Có thể mua đỗ đã tách vỏ hoặc chưa tách vỏ. Nếu mua đỗ đã tách vỏ thì chỉ cần ngâm đỗ, nhưng đỗ chưa tách thì cần ngâm để đỗ tróc vỏ và đãi sạch vỏ đỗ.

Dù phải tách vỏ và mất thời gian, nhưng một trong những bí quyết để gói bánh chưng ngon là nên dùng đỗ xanh còn nguyên vỏ để có độ thơm, ngon và vệ sinh.

Lạt buộc

Chọn những đốt giang dài từ 70-90 cm, cạo vỏ ngoài, sau đó chẻ từng miếng đều nhau. Nên ngâm ống giang trước khi chẻ để có độ mềm, còn khi chẻ thành lạt thì phơi khô để khi gói bánh sẽ chắc tay, mềm và dễ buộc. Chọn lạt giang giúp cho bánh chưng được buộc mềm dẻo mà chắc, đó cũng chính là bí quyết gói bánh chưng ngon mà bạn cần biết.

Thịt và hành

Để gói bánh chưng ngon, không thể thiếu thịt và hành khô. Hành khô bóc sạch vỏ, thái nhỏ. Hạt tiêu tự xay hoặc mua tại chợ. Nhân bánh là thịt lợn có cả nạc và mỡ (thường là thịt ba chỉ). Mỡ thịt để cho bánh béo ngậy như sự khỏe mạnh của gia chủ, nạc đỏ hồng mang nhiều niềm vui cho năm mới.

Thịt thái miếng to đều, ướp gia vị vừa đủ, rắc ít hạt tiêu để thêm hương nồng nàn và đặc biệt sau khi bánh chín sẽ có mùi thơm và vị cay nhẹ. Một điều chú ý là bạn không nên cho mắm để ướp thịt gói bánh chưng, bởi sẽ khiến bánh chưng gói xong không để được lâu.

Giữ màu xanh khi luộc bánh

Để luộc bánh chưng ngon nên dùng nồi tôn. Nồi tôn tạo môi trường kiềm bên trong để giữ được màu xanh cho bánh. Khi nấu cho vào một ít thuốc tiêu NaHCO3, cũng như khi luộc rau cho một ít thuốc tiêu vào để giữ màu xanh. Khi nấu bánh, dùng lá dư chèn dưới đáy nồi và xung quanh mặt trong của nồi để bánh không bị cháy, ngoài ra số lá này cũng làm nước nấu bánh xanh hơn.

Khi nấu được phân nửa thời gian thì phải vớt bánh ra rửa qua nước lạnh, thay nước toàn bộ nồi bánh rồi nấu tiếp, bánh sẽ xanh, rền và ngon hơn.

Đối với bánh chưng, khi nấu xong phải có công đoạn ép nước, còn bánh tét thì khi vớt ra, cũng rửa qua nước lạnh rồi dùng tay lăn tròn cho đều bánh.

Minh An (T/h)