Nếu không sai thì mai là 28 Tết rồi đấy. Một năm đi qua cũng chỉ như cơn gió thoảng. Càng ngày, mẹ càng thấy sự khắc nghiệt của thời gian và tuổi tác.Nói bảo xui mồm, nhưng những con người thế hệ như mẹ, đã đi hết 2/3 cuộc đời rồi. Chẳng biết khi nào lá rụng về cội.Tết này, mẹ muốn cùng gia đình mình đi du lịch.Trong một ngày nắng ấm, nhìn những cành đào nở rực ở góc vườn,…

Có thể bạn quan tâm:

Nếu không sai thì mai là 28 Tết rồi đấy. Một năm đi qua cũng chỉ như cơn gió thoảng. Càng ngày, mẹ càng thấy sự khắc nghiệt của thời gian và tuổi tác.

Nói bảo xui mồm, nhưng những con người thế hệ như mẹ, đã đi hết 2/3 cuộc đời rồi. Chẳng biết khi nào lá rụng về cội.

Tết này, mẹ muốn cùng gia đình mình đi du lịch.

Trong một ngày nắng ấm, nhìn những cành đào nở rực ở góc vườn, nhìn đàn gà đã đến độ thịt, nhìn luống su hào, cải bắp trải đều tăm tắp trong khoảng vườn nhỏ, mẹ tự dưng muốn chúng cũng bình yên.

Tuổi xuân của mẹ, những ngày Tết…

Là bám đuôi bà đi chợ, chọn mua ít thịt, ít mộc nhĩ, miến – măng để dành ăn Tết.

Là ra đầu làng gánh nước về rửa lá dong, là vùi tay mình trong những vốc gạo nếp thơm nức với hành, thịt mỡ ướp tiêu để tạo ra những chiếc bánh chưng xanh mướt dâng lên tổ tiên, ông bà.

Là được nghe tiếng pháo đến rát tai, ngửi mùi pháo và ngắm xác chúng nằm la liệt dưới đất.

Là nhận những đồng tiền lẻ mừng tuổi với sự hạnh phúc vô bờ bến….

Những ngày ấy vẫn tiếp diễn cho đến khi mẹ đã trở thành dâu con. Nhưng mọi thứ khác lắm.

Với đứa trẻ đã lớn như mẹ, bao “tinh hoa”, “đặc sản” ngày Tết của trẻ thơ biến mất, nhường chỗ cho những đứa trẻ chưa lớn và đang lớn.

Chỗ mẹ, thế vào chỗ của ông-bà-cô-dì-chú-bác…

Mẹ lo Tết từ cách cả đôi tháng, mỗi ngày dồn dạy một ít… Tết đến là đủ đồ.

Mẹ vặt lá đào, chăm gà, chăm lợn, bón vườn rau để Tết có hoa, có thịt, có rau…

Mẹ dọn dẹp ban thờ, nhà cửa cho không gian thoáng đãng, ngăn nắp.

Mẹ chuẩn bị ít tiền để Tết mừng tuổi trên dưới.

Người ta nhìn Tết để đánh giá mỗi gia đình trong năm đó. Mẹ quẩn quanh 3 ngày Tết từ nhà xuống bếp, cúng sao cho đầy đủ, tránh thất lễ với tổ tiên, ông bà; tránh thất lễ cả với họ hàng, làng xóm… và để mát mặt gia đình.

Đấy, có nhiêu thôi, các con nhìn vào chắc thấy cũng mệt. Mẹ thì không, thậm chí một tay mẹ có thể quán xuyến tất cả mọi việc.

Mẹ là người nhà quê, mà người nhà quê thì cũng giỏi hóng chuyện. Mấy ngày nay đài báo nói nhiều chuyện ngày Tết. Nào là gộp Tết tây với Tết ta, nào Tết nội – Tết ngoại, nào Tết đi chơi hay ở nhà…

Chuyện Tết Tây – Tết ta hay Tết nội – Tết ngoại mẹ chẳng bàn đến. Vì đơn giản, cái truyền thống lâu đời phải giữ, cái lễ nghĩa đạo đức lại càng phải duy trì. Thế nhưng, với mẹ, Tết nên đi du lịch nếu điều kiện cho phép.

Nói cho cùng, thời mẹ với thời các con, so sánh nó cũng chỉ là sự khập khiễng.

Tết thời xưa, ngoài những người làm ăn xa thực sự muốn về quê sum vầy, ngồi lại, vui với nhau chén rượu, kể chuyện năm cũ, nói chuyện năm mới cho thêm thân tình; còn lại hầu hết họ hàng cả năm chạm mặt nhau đến… phát chán.

Thời nay, chẳng cần phải Tết, anh em vẫn có thể hội ngộ chỉ bằng một cú điện thoại; chẳng cần Tết vẫn có thể hỏi thăm sức khỏe, công việc của nhau…

Nhưng… chỉ có Tết mới là khoảng thời gian để cho các con tách hẳn công việc thường ngày, dành cho mình những giây phút được nghỉ ngơi mà không phải lo phép ngày, phép năm.

Mẹ không muốn quà bánh, mắm -muối -tương -cà… khiến các con thêm bận lòng mà sợ Tết.

Chưa kể, mẹ chán cảnh, mâm to mâm nhỏ bày ra, mỗi người chấm dính đôi đũa rồi vội vàng đứng dậy “xin đi chúc Tết mỗi nhà một lúc” như một thủ tục cần có.

Mẹ chán cảnh anh em quá chén nhắc lại chuyện năm cũ để rồi ít nhiều thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.

Chiếc tủ lạnh đông đặc đồ ăn từ sống đến chín, những đứa trẻ lắc đầu nguầy nguậy khi được gắp cho miếng giò hay thịt gà. Chúng không thiếu ăn, chỉ thiếu tình thương…

Thôi thì, Tết mẹ cũng sắm sửa đủ, chu tất mọi công đoạn rồi. Các con chỉ việc về, đón Giao thừa, chúc Tết mùng 1 rồi cả nhà mình đi đón Tết ở một nơi xa nhé!

Ai nói gì mặc họ, trong có ấm thì ngoài mới êm. Điều quan trọng là gia đình mình luôn hạnh phúc.

Bố mẹ mong các con…

Mộc Miên