Còn những người hàng xóm thì khỏi phải nói. Họ rỉ tai nhau ngay sau khi biết chuyện, rằng chắc chắn là do đồ ăn mà ra. Chẳng có gì là lạ! Đó cũng chính là những lời họ nói khi bố tôi đột tử sau một cơn đau tim mười năm trước. Người phụ việc giặt giũ cho gia đình tôi bảo rằng cô nghe hàng xóm đổ lỗi cho mẹ tôi về cái chết của bố. Họ bảo đồ ăn của mẹ có quá nhiều dầu và…

Có thể bạn quan tâm:

Còn những người hàng xóm thì khỏi phải nói. Họ rỉ tai nhau ngay sau khi biết chuyện, rằng chắc chắn là do đồ ăn mà ra. Chẳng có gì là lạ! Đó cũng chính là những lời họ nói khi bố tôi đột tử sau một cơn đau tim mười năm trước. Người phụ việc giặt giũ cho gia đình tôi bảo rằng cô nghe hàng xóm đổ lỗi cho mẹ tôi về cái chết của bố. Họ bảo đồ ăn của mẹ có quá nhiều dầu và sau nhiều năm, chúng là nguyên nhân gây ra chứng tắc nghẽn mạch máu cho bố.

Tôi thì cho rằng lời lẽ của những người hàng xóm xấu bụng chẳng qua là do ghen tị. Chẳng ai không biết rằng mẹ tôi là đầu bếp giỏi, nấu ăn ngon nổi tiếng nhất vùng. Dù cho những người ta có đồn thổi cỡ nào về các món ăn mẹ tôi nấu thì chúng tôi cũng chẳng bao giờ hết khách xếp hàng dài đợi đến lượt mua bánh ngọt nhân mứt dứa mẹ tôi làm mỗi dịp đầu năm mới.

Sau khi bố mất, chúng tôi vẫn ở trong ngôi nhà thuộc khu Serangoon Garden. Anh cả thì đã chuyển ra ở riêng được 5 năm sau khi cưới vợ. Bây giờ chỉ còn mẹ và tôi ở lại trong căn nhà cũ.

Minh họa: MAI MINH

Mẹ là người có sức ảnh hưởng lớn tới người khác, dẫu rằng mẹ rất ít nói. Sự hiện diện, những cử chỉ, nét mặt hay cả sự im lặng của mẹ cũng khiến người ta hiểu được những thông điệp mẹ muốn gửi đi. Đôi khi tôi còn nhận ra tâm trạng của mẹ qua cách mẹ nấu ăn. Khi nào mẹ buồn, những món ăn trong ngày hôm đó sẽ hơi nhạt và tôi chắc rằng mẹ có chủ ý trong việc nêm bớt muối đi một chút.

Đã 7 tháng kể từ khi bác sĩ đưa ra chẩn đoán. Sau đó, mẹ vẫn tiếp tục nấu ăn cho tôi và cho anh cả mỗi khi hai vợ chồng anh và hai đứa cháu qua thăm. Chỉ tới hai tháng gần đây, khi mẹ yếu hơn hẳn và không ra khỏi giường được nữa thì tôi mới quyết định nghỉ việc ở tòa soạn để ở nhà chăm sóc. Tôi đa phần mua đồ ăn sẵn ở cửa hàng, nhưng đôi khi cũng nấu một vài món ăn cho mẹ, dù tôi biết mình nấu ăn chẳng hề ngon. Tôi đã bắt đầu thấy nhớ những món ăn của mẹ.

Trừ vài món đơn giản vẫn thường nấu khi còn đi du học như mì ăn liền hay trứng ốp, trứng rán, tôi cũng lượm lặt được công thức mấy món từ cuốn hướng dẫn nấu ăn mà một đồng nghiệp cũ cho mượn. Tôi vẫn hy vọng với một chế độ ăn đặc biệt, mẹ tôi có thể sẽ khỏi bệnh.

Một lần, sau khi nấu xong món xúp, tôi bón cho mẹ một thìa. Bà nhăn mặt bảo: “Khó ăn quá!”. Tôi hỏi: “Hay tại mấy thứ rau thơm trong đó?”. Mẹ bảo: “Do cách nấu cả thôi. Nếu con cho thêm chút muối thì vị sẽ rất khác. Mẹ ước gì con học nấu ăn từ trước”.

Tôi bối rối! Thực ra, chưa bao giờ tôi thấy hứng thú với khoa học ẩm thực cả, mặc dù tôi không ghét nấu ăn như tôi từng nghĩ. Tôi chỉ thấy rằng chỗ của người phụ nữ không phải bao giờ cũng là bên cạnh cái bếp. Tôi còn có nhiều mơ ước lớn hơn.

Mẹ thì chẳng hề nghĩ như vậy. Bà bảo: “Con đã 32 tuổi rồi. Nếu biết nấu ăn, biết đâu có ai đó…”.

Tôi vội nói: “Ồ thôi mà mẹ. Chúng ta chuyển chủ đề được không?”.

Mẹ thở dài: “Khi mẹ rời khỏi cõi đời này, ai sẽ chăm sóc từng bữa ăn cho con?”.

Tôi bước ra lau dọn lại nhà bếp. Chỉ còn vài ngày nữa là năm mới sẽ tới. Mỗi dịp năm mới, chúng tôi thường tổ chức một bữa cơm đầu năm ấm cúng và mẹ sẽ nấu những món tủ của mình. Đôi khi mẹ còn cho ra mắt vài món mới.

Tôi hỏi anh cả: “Năm nay chúng ta sẽ tổ chức bữa cơm đầu năm thế nào?”.

Anh cả gợi ý mua đồ ăn sẵn. Sẽ thật đáng buồn nếu chúng tôi phải mua đồ ăn sẵn MSG-laden trong bữa cơm đoàn viên mừng năm mới. Tôi ước gì mình đã để tâm nhiều hơn đến nấu ăn thay vì chỉ ăn như trước đây. Tất cả những gì tôi phải làm chỉ là dành ra vài buổi cuối tuần đứng cạnh mẹ, quan sát và ghi chép lại trong khi mẹ nấu. Nhưng thay vào đó, tôi lại trốn biệt, tránh thật xa cái bếp mỗi khi mùi gia vị, dầu mỡ nổi lên. Giờ thì tất cả công thức nấu ăn đã giúp mẹ nổi tiếng cả khu dân cư chỉ còn tồn tại trong ký ức của mẹ. Có vẻ như đã quá muộn để tôi có thể học hỏi được điều gì.

Nhưng mẹ lại nghĩ khác. Mẹ bảo: “Không bao giờ là quá muộn!”. Rồi khuôn mặt mẹ bỗng bừng sáng: “Con là nhà báo. Vì vậy, hãy mang giấy bút ra đây và hãy coi mẹ là một trong những đối tượng phỏng vấn của con đi nhé”.

Mẹ nói rất nghiêm túc, còn cá nhân tôi thì nghĩ rằng ý tưởng của mẹ hơi kỳ lạ, như kiểu một cao thủ võ lâm trong các tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa vẫn thường truyền lại bí kíp võ công của mình cho một truyền nhân trước khi bước vào cõi vĩnh hằng.

Tôi bảo: “Tốt hơn hết bây giờ mẹ nên nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi nhiều sẽ giúp mẹ nhanh hồi phục hơn”.

Mẹ phản đối: “Mẹ có rất nhiều thời gian nghỉ ngơi. Bây giờ điều quan trọng hơn cả là truyền lại các công thức nấu ăn cho con và huấn luyện sao cho con có thể nấu ngon như mẹ. Biết đâu con có thể thay mẹ nấu bữa cơm đầu năm!”

Năm ngày liên tục sau đó, tôi ghi lại được 30 công thức nấu ăn tâm đắc nhất của mẹ. Tôi cũng nấu thử nhiều món để mẹ thử và cho nhận xét. Mỗi món đạt mức độ thành công khác nhau. Mẹ vui thấy rõ!

Chỉ còn một ngày nữa là năm mới sẽ tới. Bữa cơm đầu năm theo ý mẹ sẽ bao gồm các món chính: Xúp đậu phộng nước trong, bò hầm niêu đất, măng tây xào dầu hào, thịt lợn om rau. Quả thực là còn quá ít thời gian để tôi có thể “tập dượt” mấy món khó nấu. Tranh thủ khi mẹ còn đang ngủ trong phòng, tôi tiếp tục chuẩn bị thêm cho bữa tối quan trọng này. Con dao thái thịt đã trở nên linh hoạt trong tay tôi từ khi nào chẳng hay. Những lát măng tây cũng thế cứ rời ra dễ dàng sau mỗi nhát thái, đều đặn như giai điệu của một bài hát êm dịu. Trong đầu tôi chỉ còn văng vẳng những điệp khúc “xào”, “chiên ngập dầu”, “luộc”, “hấp”… Đó là tất cả những gì tôi nghĩ tới lúc này.

Tối mai, tôi sẽ thấy ánh mắt ngạc nhiên của vợ chồng anh cả trước mâm cơm đầy đặn được tôi – một truyền nhân đích thực của mẹ, nấu ngay tại nhà. Đó sẽ là bữa cơm đoàn viên đầu năm đầu tiên của tôi và có lẽ là cuối cùng của mẹ.

Truyện ngắn của Yong Shu Hoong (Singapore) HOÀNG ĐIỆP (dịch)