PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, khuyến cáo người dân không nên coi tủ lạnh như cái chạn để “chất” đầy mọi thứ vào. Thực chất tủ lạnh chỉ có tác dụng giữ và bảo quản thực phẩm trong môi trường nhiệt độ thấp, giúp vi khuẩn, vi sinh vật chậm phát triển chứ không ngăn được chúng sinh sôi, nảy nở.Vì vậy, thực…

Có thể bạn quan tâm:

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, khuyến cáo người dân không nên coi tủ lạnh như cái chạn để “chất” đầy mọi thứ vào. Thực chất tủ lạnh chỉ có tác dụng giữ và bảo quản thực phẩm trong môi trường nhiệt độ thấp, giúp vi khuẩn, vi sinh vật chậm phát triển chứ không ngăn được chúng sinh sôi, nảy nở.

Vì vậy, thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh cũng chỉ có thời hạn nhất định. Không nên tích trữ quá nhiều loại thực phẩm hoặc quá nhiều số lượng mỗi món, chỉ mua đủ ăn, vừa tránh lãng phí, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không để thức ăn bị vi khuẩn, nấm mốc tấn công.

Thực phẩm lưu trữ trong tủ lạnh cũng chỉ có thời hạn nhất định. Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, khi để thực phẩm trong tủ lạnh cũng không nên tích trữ quá nhiều, nhồi nhét chật trong tủ lạnh khiến luồng khí lạnh không thể lưu thông, dẫn đến nhiệt độ ở một số vị trí trong tủ có thể tăng cao, làm hỏng thức ăn. Tốt nhất, trước đợt tích trữ nhiều thực phẩm cho dịp Tết nên vệ sinh tủ lạnh sạch sẽ. Khi xếp thức ăn vào tủ nên chú ý để có sự thông thoáng cho các luồng khí lạnh luân chuyển. Nếu tủ lạnh chứa đầy thức ăn, hãy điều chỉnh nhiệt độ thấp xuống để đảm bảo thực phẩm được bảo quản tốt hơn.

Thực phẩm nhồi nhét chật trong tủ lạnh khiến luồng khí lạnh không thể lưu thông. Ảnh minh họa: Internet

Nguyên tắc bảo quản thực phẩm ngày Tết

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng khuyến cáo người dân những nguyên tắc khi lưu trữ bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, đặc biệt là trong dịp Tết. Đó là thực phẩm mua về cần chia nhỏ theo từng bữa ăn, rửa sạch và để ráo nước, bọc nilon hoặc đóng hộp kín từng phần và để vào ngăn đông.

Việc chia nhỏ từng phần sẽ tiện lợi cho chế biến và nấu ăn từng bữa, bởi khi thực phẩm đã để đông lạnh lấy ra phần nào là phải chế biến hết phần đó, khi lấy ra rồi thì không thể cất lại được, tránh việc thực phẩm làm đông đi đông lại sẽ mất các vitamin và dưỡng chất, đồng thời phát sinh các vi sinh vật có hại.

Thức ăn đã nấu chín ăn không hết, có thể nấu lại, để nguội trước khi đậy kín cất vào tủ lạnh, và nên sử dụng ngay trong bữa sau đó hoặc ngày hôm sau, không nên để lưu cữu từ ngày này sang ngày khác.

Khi chế biến các món truyền thống ngày Tết, ví dụ như canh măng; có thể luộc, xào măng với hành phi trước và chia vào hộp thành từng bữa riêng. Sườn, móng giò cũng có thể ninh một lần rồi chia thành nhiều phần. Khi ăn có thể đem từng phần sườn, móng, măng nấu cùng với nhau, vừa nhanh, tiện lại vừa đảm bảo món ăn mới, không bị nấu đi nấu lại.

Đối với các món ăn là các loại rau khi dùng không hết cũng không nên tiếc rẻ mà cất vào tủ lạnh, vì hàm lượng nitrat có trong các loại rau xanh khá nhiều, nếu nấu xong để quá lâu, vi khuẩn phân hủy, lượng nitrat sẽ lại tạo thành nitrit – là chất gây ung thư, dù có đun lại cũng không thể khử được.

Với mỗi món ăn, chúng ta chỉ nên chế biến lượng thức ăn vừa đủ, đừng quá dư thừa, vì khi thừa đun lại thức ăn sẽ bị sẽ bị hao hụt chất dinh dưỡng.

Ngoài ra, thức ăn để tủ lạnh lâu vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn, và sinh ra độc tố. Khi đun lại thức ăn, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100ºC, nhưng độc tố do vi sinh khuẩn sinh ra vẫn có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.

Đối với bánh chưng nếu bị mốc, lên men có mùi chua (thường là ở các góc bánh do phần này khi gói hay bị rách) thì phải cắt bỏ phần bị lên men, mốc, chỉ sử dụng phần còn giữ nguyên mùi thơm của bánh, nhưng cũng nên rán lại, chứ không nên ăn trực tiếp.

An Lê (TH)