Không phải nhân thịt đặc trưng truyền thống nhưng chiếc bánh vẫn gợi đủ hương vị ngày Tết cổ truyền, và chúng tôi cho rằng, nó mở ra một hướng đi mới, gần gũi với bạn bè quốc tế hơn cho thứ bánh “quốc hồn, quốc túy” của người Việt.Còn nhớ trong một hội thảo về di sản diễn ra giữa năm 2021 – 2021, TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Trung…

Có thể bạn quan tâm:

Không phải nhân thịt đặc trưng truyền thống nhưng chiếc bánh vẫn gợi đủ hương vị ngày Tết cổ truyền, và chúng tôi cho rằng, nó mở ra một hướng đi mới, gần gũi với bạn bè quốc tế hơn cho thứ bánh “quốc hồn, quốc túy” của người Việt.

Còn nhớ trong một hội thảo về di sản diễn ra giữa năm 2021 – 2021, TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam bày tỏ tiếc nuối vì bánh chưng, bánh giày của người Việt khó được công nhận là di sản văn hóa đại diện nhân loại. Nguyên nhân một phần vì nhân thịt lợn trong bánh chưng, bánh giày không hợp với một số quốc gia có tục ăn kiêng mà để là di sản đại diện của nhân loại thì cần có sự đồng thuận. Đây quả là một thông tin đáng tiếc bởi Việt Nam là đất nước nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú, ngon lành và đặc biệt ẩm thực Việt thường rất tốt cho sức khỏe con người.

Nguyễn Thu Hoài (đứng giữa) giới thiệu bánh chưng với bạn bè.

Nhắc lại câu chuyện của TS Lê Thị Minh Lý không phải vì hy vọng chúng ta sẽ làm hồ sơ di sản với bánh chưng để đệ trình lên UNESCO trong nay mai; mà bởi thứ hương vị mới hòa quyện trong nhân bánh chưng cổ truyền gợi mở một hướng đi mới của thứ bánh của người Việt. Bánh chưng nhân cá hồi ra đời từ một sự tình cờ khi cô bạn trẻ 9X tên Nguyễn Thu Hoài, vốn là du học sinh Pháp trò chuyện với bạn bè người nước ngoài của mình khi giới thiệu món bánh linh hồn người Việt mỗi dịp Tết cổ truyền. Nhiều bạn thích thú với thứ đặc sản cổ truyền mộc mạc Việt Nam nhưng một số bạn lại không ăn được thịt lợn trong nhân bánh. Thu Hoài vì muốn giới thiệu, quảng bá và kết nối với bạn bè quốc tế của mình về món bánh truyền thống nên tìm cách thay nhân thịt lợn bằng cá hồi, món bánh tạo nên hương vị ngày Tết của người Việt đặc biệt thân thiện, gần gũi. Chỉ có điều, khi mới đưa ra ý tưởng, nhóm của Thu Hoài vấp phải sự phản đối quyết liệt vì nhân cá hồi có thể làm mất đi hương vị truyền thống của bánh chưng.

Kể về “sự liều” của tuổi trẻ, Thu Hoài chia sẻ, ban đầu khi quyết định thay thịt lợn bằng cá hồi, e-kíp của chúng tôi cũng rất lo lắng vì có thể sẽ có những ý kiến đánh giá không hay, cho rằng ý tưởng vớ vẩn. Tuy nhiên, đã quyết là làm. May mắn thay, món bánh chưng nhân cá hồi khi hoàn thành không có vị tanh, gây của cá hồi mà thơm nức cả căn phòng. Khi đưa ra thử nghiệm có tới 80% khách hàng hài lòng. Nhiều khách đặc biệt thích thú vì bánh nhân cá có hàm lượng protein thấp hơn hẳn. Món bánh chưng nhân cá hồi do đó rất phù hợp với những khách không thích ăn thịt.

Bây giờ, bánh chưng nhân cá hồi không chỉ là món ăn thử nghiệm mà đã được Nguyễn Thu Hoài đóng hộp cẩn thận, đẹp mắt, đem bán và được người tiêu dùng ưa chuộng tìm mua. Nguyễn Thu Hoài cũng đang tính đến xuất khẩu bánh chưng nhân cá hồi.

Bài và ảnh: LAN DỊU