Rồi nhiều cái Tết lần lượt qua đi, trưởng thành hơn, cảm nhận, ghi nhớ về Tết của tôi cũng được đầy lên. Những cái Tết của núi rừng với ba mẹ và các em, Tết của những cây đào không ngừng bung hoa, hồng rực góc vườn, góc sân. Tết của những chồi non cựa quậy đòi bật ra từ những cành trụi trơ khắp nơi, trên trời cao, núi đồi, đồng bãi.Tết để người ta thêm tuổi và lớn…

Có thể bạn quan tâm:

Rồi nhiều cái Tết lần lượt qua đi, trưởng thành hơn, cảm nhận, ghi nhớ về Tết của tôi cũng được đầy lên. Những cái Tết của núi rừng với ba mẹ và các em, Tết của những cây đào không ngừng bung hoa, hồng rực góc vườn, góc sân. Tết của những chồi non cựa quậy đòi bật ra từ những cành trụi trơ khắp nơi, trên trời cao, núi đồi, đồng bãi.

Tết để người ta thêm tuổi và lớn lên. Tết của những người đi xa được trở về nhà với bao thương nhớ, hồi hộp. Tết của những tình yêu bắt đầu, của những tình yêu được thêm tuổi, thêm nỗi chờ đợi, mong ngóng, thêm lần gặp gỡ, thêm thiết tha, Tết với việc cất giấu, gác lại những khó khăn, những nỗi buồn để hướng vọng những tốt lành.

Nhiều loài hoa bung nở khi Tết đến. Ảnh: Hà Huy.

Khi Tết đi vào kí ức nhiều hơn thì Tết xâm lấn tâm trí, tâm hồn nhiều hơn. Tháng Chạp đến là nhẩm tính. Bắt đầu từ ngày nào Tết lén bước, rồi rầm rập? Từ ngày Hai Mươi đã vương vương khí Tết, mùi Tết? Hay sớm hơn? Những câu nói; “Tết sắp đến rồi, “Tết đến nơi rồi”, “Năm hết Tết đến rồi”… là khi Tết xôn xao từ trong nhà ngoài ngõ, làng trên, xóm dưới, từ những nẻo đường, từ những bước chân người ở xa về, từ túi, giỏ, gánh, xe chật đầy Tết đi qua về lại, người lo sớm thì nói “đã Hai Mươi Tết rồi”.

Và chợ được gọi là Chợ Tết, người xe hàng hóa đầy tràn, nhanh, nhanh quá! Hai Bảy Tết, Hai Tám tết, Hai Chín Tết, những ngày tất bật mua sắm, lau dọn, trang hoàng để ngày Ba Mươi Tết nhà nhà bớt dần náo nhộn, xóm làng lắng lại những náo nhiệt để sắp sửa an tọa bên sự tươm tất, tươi mới, tinh thơm, để đưa tiễn và nghênh đón, để có những phút giờ được thảnh thơi, hướng về, nghĩ tới những an lành tốt đẹp, để lắng đọng, nguyện cầu.

Tết, mọi người cùng hướng đến để cầu mong những thành công mới, những hi vọng, những đổi thay tốt lành.

Rồi một ngày sống xa quê, tôi càng nhớ vô cùng những cái Tết quê, những cái Tết mà tôi đã tìm được hương vị tết để lưu giữ cho chồng con, cho mình. Là bận rộn mua lá dong, tập chẻ lạt và gói bánh chưng, trong khí lạnh được gói và đun bánh quyện lẫn mùi hương trầm thơm ngọt ấm áp… Là bắt mình phải kiên trì chọn mua bằng được cành đào dù nhỏ nhưng từ cành, búp và lộc đều dâng sức sống, sức xuân.

Không khí Tết. Ảnh: Hà Huy.

Hoa đào, bánh chưng, hương trầm, và nấu sẵn vài ba món, cùng ít hoa quả, bánh kẹo… thế là tôi đã có những cái Tết gọn nhẹ, có thể dành giữ cho riêng mình chút ít thư thái để được ngắm nhìn mọi người, mọi nhà làm Tết; cũng cành đào, bánh chưng, hương trầm… Xem các bà, các mẹ chắt chiu bày biện, tôi theo dõi Tết về từng ngày, từng buổi, từng lúc xung quanh mình, thu ngắm những sắc màu, lắng vào những hương vị.

Làm nên Tết, nhìn thấy Tết, hít hà Tết… để rồi mang theo kí ức. Nhìn Tết từ mọi ngả, Tết của xóm giềng, Tết trên những cành, những cánh hoa đào, Tết trong mùi nếp ngâm, lớp nhân đỗ, hành, tiêu, thịt, trong khói lửa và nồi bánh sôi, chín trong cái lạnh không ngưng thơm mùi hương trầm… và không khỏi hoài nhớ mùi pháo, tiếng pháo của một thời sáng ran giao thừa.

Đơn sơ, giản tiện, tự thấy đủ. Nhưng tôi thấy mình thật sự đủ đầy, sung túc khi nghe được xuân về cùng Tết. Vì Tết là rộn rã, nhưng xuân về lại rất khẽ, phải tĩnh lòng để lắng nghe.

Tôi biết những người phụ nữ, các bà, các mẹ, các chị… vẫn luôn lo sao cho hương vị ngày tết đủ đầy, sung túc, họ làm bánh, mứt, nấu nhiều món truyền thống, món lạ, họ dọn dẹp, tất bật, chộn rộn và vẫn lo lắng lỡ có gì đó không trọn vẹn từ năm cũ đưa qua năm mới. Họ luôn muốn hoàn tất tốt đẹp cho những cái Tết, họ là những người làm nên hương vị Tết từ khói bếp, đến bàn thờ, mâm cỗ, bàn tiệc, họ khiến tôi luôn nể và thương.

Tôi hết tuổi vô lo, làm chủ gia đình, làm mẹ… cũng bận rộn vì Tết. Nhưng tôi cắt giảm để tiết kiệm, để bớt việc, để có thêm chút thời gian tĩnh lòng nhìn ngắm. Thanh tịnh để lắng nghe… Mưa lạnh, hoa nở, lộc nhú, con người tĩnh lắng lòng thì cảm được nhiều những chất chứa bừng dậy từ đất đai mầm chồi đội lên, từ trong vỏ cây già xù xì mầm đòi nứt nhú, từ những trơ trụi bao nhiêu mắt sắp chồi.

Tết là thế, cùng nhiều vất vả toan lo lẫn mệt mỏi ta có cả một không gian bao la ùa về sức sống của mùa xuân và chúng ta có quyền thư thả tận hưởng.

Tết là có biết bao nhớ thương!

HỒ THỊ NGỌC HOÀI

(TP.HCM)

Qua địa chỉ [email protected], Ban tổ chức cuộc thi viết “Nhớ thương mùi Tết”, Thế Giới Tiếp Thị Online tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2019. Chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của quý bạn đọc.